Monday, February 10, 2014

Giải thích một cách dễ hiểu Bitcoin là gì

Giải thích một cách dễ hiểu Bitcoin là gì



Trước đây con người không đủ sự tin tưởng để cùng tin cái vỏ sò trị giá
một con bò, nên cần đến các chính phủ để cùng tin rằng một mẩu giấy hoặc
polyme có giá trị bằng 3 con gà.



Nhưng nhờ có Internet và thuật toán của một người/nhóm người tự nhận là
Satoshi Nakamoto đã giải quyết được vấn đề lòng tin. Bây giờ chúng ta
không cần phải tin chiếc vỏ sò trị giá bằng một con bò hay mẩu giấy trị
giá một con gà nữa. Chúng ta cũng chẳng cần trung gian là một ngân hàng
để chuyển giá trị cho nhau nếu ở xa.







Nhờ công nghệ của bitcoin bạn bán cho tôi con gà, tôi chỉ cần chuyển bạn
một con số tương ứng với số bitcoin. Và khi cần mua một bản nhạc bạn
lại gửi số bitcoin cho nhạc sỹ. Tất cả là trực tiếp qua mạng. Thông tin
không đi chỉ từ người gửi đến người nhận mà lan truyền khắp mạng lưới
bitcoin để đảm bảo không ai trong chúng ta có thể giả mạo hoặc tiêu
nhiều hơn giá trị mà chúng ta đang có.



Bitcoin không tự động được chia đều cho mọi người mà nó sẽ sinh ra bằng
cách gọi là đào bitcoin. Đây là cách nói hình tượng giống như chúng ta
đào vàng. Thực chất công việc đào bitcoin là chạy những chương trình máy
tính trên những máy tính mạnh hoặc chuyên biệt nhằm giúp mạng lưới
bitcoin xác thực các giao dịch và chống giả mạo. Khi thực hiện những
công việc này tức là người đào phải bỏ công và đầu tư máy móc thì đổi
lại hệ thống trả họ tiền công là những bitcoin.



Để khuyến khích người đào tham gia xác thực ban đầu những người đào
bitcoin được trả công nhiều, và càng lâu giá trị bitcoin càng lớn thì số
bitcoin dùng để trả công được giảm đi, đến thời điểm năm 2140 thì
bitcoin sẽ không được sinh thêm cho đến khi đủ con số xấp xỉ 21 triệu
bitcoin. Sau đó người đào chỉ được trả công bằng tiền phí xác thực giao
dịch.



Giao dịch bằng bitcoin là điều tương đối khó hiểu nhưng nó lại là điều
thú vị đến kỳ diệu của bitcoin. Mỗi người sử dụng bitcoin có ít nhất
thông tin gọi là địa chỉ và chìa khoá. Địa chỉ là dùng để nhận tiền, còn
chìa khoá là để bạn tiêu tiền của mình. Chìa khóa ở đây có thể hiểu là
cái ví của bạn. Cả địa chỉ và chìa khoá chỉ đơn giản là một dãy ký tự.
Khi bạn gửi cho người bạn một số tiền với bitcoin bạn sẽ ghi vào cuốn sổ
cái chung của bitcoin số tiền mà bạn gửi và địa chỉ của người nhận.
Thông tin này tự động đồng bộ đến tất cả các máy tính trong mạng lưới
bitcoin. Tuy nhiên bitcoin sử dụng kỹ thuật chữ ký số trong mã hoá công
khai nên chỉ có người nhận mới có thể kiểm tra được thông tin (số tiền)
gửi đến cho mình. Ngoài ra bitcoin còn sử dụng một cơ chế xác thực rất
tinh vi để tránh hiện tượng tiêu quá số tiền của mình.



Cái hay của người thiết kế bitcoin là tạo ra một hệ thống tự động, không
có máy chủ, mỗi người tham gia mạng lưới bitcoin đều tham gia vận hành
nó và mang thêm giá trị cho nó. Càng có nhiều người sử dụng, giao dịch,
xác thực... thì giá trị của hệ thống càng tăng. Mà số lượng bitcoin là
hữu hạn nên giá trị của mỗi bitcoin sẽ càng ngày càng tăng.



Bitcoin ra đời thách thức quyền lực của các chính phủ, quyền lợi của
giới ngân hàng nên chúng ta thấy đâu đó người ta chỉ trích bitcoin hoặc
ngăn cấm nó. Tuy nhiên như đã nói trên bản chất của bitcoin là hoạt động
một cách tự động, không có ai có thể kiểm soát nó (kể cả tác giả) mà do
toàn bộ người dùng duy trì nên bitcoin chỉ không hoạt động khi không có
ai sử dụng nó hoặc ngắt kết nối của tất cả mọi người một cách hoàn
toàn. Những điều kiện này là gần như không thể, do vậy nói có thể cấm
bitcoin là điều bất khả thi.



Nhiều người nghi ngại rằng bitcoin thuận lợi cho giới tội phạm, nhưng
cách nghĩ này có lẽ hơi hạn hẹp vì chúng ta ai cũng biết con dao có thể
là công cụ giết người nhưng con dao là dụng cụ thiết yếu của cuộc sống
hàng ngày, và bitcoin cũng vậy. Bitcoin được thiết kế nhằm đáp ứng nhu
cầu trao đổi giá trị không giới hạn biên giới, và chống nguy cơ lạm phát
và lợi ích của nó lớn hơn nhiều tác hại. Vấn đề tội phạm là công việc
của công an, không thể lấy cớ khó khăn cho việc điều tra mà cấm bitcoin,
cấm bitcoin cũng giống như cấm ô tô, cấm xe máy, cấm dùng dao...



Tuy giao dịch qua bitcoin không lưu thông tin cá nhân mà chỉ là các
thông tin địa chỉ, nhưng mọi giao dịch trên hệ thống bitcoin đều được
lưu trữ một cách công khai trên tất cả các máy tính tham gia nên nói
bitcoin là công cụ của giới tội phạm là không hoàn toàn đúng. Bitcoin
quá hay và không nên là thứ đặc quyền mà chúng ta chỉ dành cho giới tội
phạm được, bitcoin nên là công cụ mà mọi người đều có thể sử dụng