Thursday, October 29, 2015

Sữa của bạn bị chua và khách hàng kêu gọi tẩy chay trên Facebook, xử lý thế nào?

Ngày 17/10, Timothy Tiah, một doanh nhân khởi nghiệp Malaysia, đăng trên trang blog có 23.000 người theo dõi của anh một bài viết có tựa đề “Đừng bao giờ mua nhãn hiệu sữa này nữa!” kèm theo hình ảnh can sữa Farm Fresh mà anh mua bị chua, không quên nhấn mạnh đây là lần thứ hai anh gặp tình trạng trên và đang rất tức giận.
[​IMG]

Sau đó vài ngày anh nhận được email từ một người có tên Loi Tuan Ee, người gửi không ghi job title mà sau này Timothy google ra Loi chính là CEO của Farm Fresh Milk.

Sau đây là nguyên văn email

“Gửi Timothy,

Hôm qua một người bạn đã gửi bài blog của anh cho tôi. Tôi rất buồn khi thấy anh kêu gọi tẩy chay Farm Fresh Milk của chúng tôi. Tôi hiểu tâm trạng giận dữ của anh khi liên tục mua phải những hộp sữa bị chua. Tôi viết email để gửi đến anh lời xin lỗi chân thành nhất vì đã khiến anh thất vọng. Chúng tôi sẽ gửi sản phẩm đền bù tới anh sớm nhất có thể.

Farm Fresh Milk khởi đầu từ 1 trang trại nhỏ với 80 con bò sữa ở Kota Tinggi Johor cách đây 6 năm. Sau đó 1 năm, chúng tôi tăng quy mô lên 500 con bò nhập từ Úc và bắt đầu ra mắt sản phẩm sữa tươi qua hệ thống của siêu thị Giant.

Nhờ những phản hồi rất tích cực của khách hàng, chúng tôi tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Năng lực cốt lõi của chúng tôi nằm ở việc chúng tôi cung cấp cho khách hàng sữa tươi tự nhiên tinh khiết nhất Malaysia. Có thể anh không để ý, nhưng 90% sản phẩm sữa trên kệ siêu thị là được pha từ bột. Những loại sữa Úc đó có thể nằm trên kệ 1 tháng mà không bị hư. Tất cả loại sữa ít béo trên thị trường đều được pha từ bột sữa tách béo. Tôi chắc anh có thể cảm nhận được sự khác biệt này. Đây là những sự thật mà người tiêu dùng ít khi để ý.

Khi đã phát triển, chúng tôi bắt đầu cung cấp thêm những sản phẩm khác làm từ sữa, như Yoghurt tự nhiên, sữa sôcôla cao cấp, café latte và thức uống sữa chua. Dòng sản phẩm làm từ sữa chua của chúng tôi được chấp nhận ở Malaysia và Singapore. Không có sản phẩm nào chứa phẩm màu hay chất bảo quản. Chúng tôi không bao giờ sản xuất những thứ mà con cháu của chính chúng tôi không thể sử dụng.

Theo AC Nielsen, hiện nay Farm Fresh Milk đã trở thành nhãn hiệu số một về sữa tươi ở Malaysia với 37% thị phần. Chống lại các tập đoàn đa quốc khổng lồ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Là một công ty nhỏ với năng lực tài chính hạn chế, chúng tôi chỉ dựa vào truyền miệng để phát triển thương hiệu trong những năm qua.

Vì sữa là một trong những sản phẩm vô cùng nhạy cảm nên chỉ một sai sót nhỏ trong chuỗi sản xuất và phân phối cũng có thể làm hỏng sữa. Qua nhiều năm, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được những phản ứng. Mỗi câu hỏi hay khiếu nại trên Facebook, tôi đều trả lời riêng cho từng trường hợp. Nhưng tuần vừa qua thực sự rất khó khăn.

Toàn thể công ty đã vào cuộc từ bộ phận Trang trại cho đến Xử lý và Phân phối để tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi không thể chấp nhận việc khách hàng nhận được một sản phẩm sữa tươi không đạt hạng A từ Farm Fresh.

Timothy thân mến, xin đừng quay lưng lại với chúng tôi. Nếu anh thấy đội ngũ của chúng tôi đã lao động cật lực thế nào, có thể anh sẽ suy nghĩ lại. Chúng tôi thức dậy lúc 5h sáng để vắt sữa của những cô bò, chuẩn bị thức ăn, sau đó lo cho những chú bò sơ sinh, đến 5h chiều lại lặp lại chu kỳ đó, và thường kết thúc công việc lúc 10h đêm.

Những bồn sữa của chúng tôi sẽ đến nhà máy xử lý vào buổi chiều và đến giữa đêm, những xe tải lạnh sẽ hướng về trung tâm phân phối Puchong. Đến 8h sáng, sữa sẽ bắt đầu được phân phối đến các kệ hàng.

Chúng tôi hiện tại vận hành hai trang trại. Một ở Kota Tinggi và một ở Muadzam Pahang. Tôi rất hân hạnh mời anh đến thăm trang trại để trải nghiệm cuộc sống nông trang. Một lần nữa mong anh thứ lỗi vì đã khiến anh thất vọng. Và xin bỏ qua cho ngôn ngữ nhà quê.

Trân trọng,

Công ty Sữa Holstein

Loi Tuan Ee”

Và đây là email trả lời của Timothy

“Gửi ông Loi,

Rất cảm ơn vì đã viết thư cho tôi. Gia đình tôi đã uống sữa của anh từ 1 hay 2 năm nay rồi. Tôi nhớ rằng lần đầu tôi Farm Fresh vì bao bì đẹp và vợ tôi rất thích. Tôi không thể phân biệt được sự khác nhau giữa các nhãn sữa của Malaysia nhưng vợ tôi thì có thể và cô ấy rất thích Farm Fresh.

Mạng xã hội cho chúng ta rất nhiều quyền năng nhưng đi kèm với quyền năng là trách nhiệm. Nên tôi không phải lúc nào cũng post mọi chuyện lên đó. Lần đầu tiên tôi nhận thấy sữa bị chua từ một hộp Farrm Fresh mới mua là cách đây nhiều tháng và tôi chỉ đơn giản là quăng nó đi và nghĩ mình xui.

Nhưng đây là lần thứ hai chuyện đó lại xảy ra nên ngoài việc đổi nhãn hiệu sữa, tôi quyết định post nó lên Dayre (mạng blog phổ biến ở Malaysia do chính công ty của Timothy sáng lập). Khi tôi nhớ ra rằng có tới 23.000 người theo dõi mình trên Dayre, tôi thực sự không mong muốn nhiều phản ứng như vậy và rất mong rằng chuyện này sẽ không lan truyền.

Vì bản thân cũng là doanh nhân khởi nghiệp nên tôi rất hiểu những gì anh nghĩ. Tôi cũng đã phạm rất nhiều sai lầm trong kinh doanh và hiểu những căng thẳng đi kèm theo khủng hoảng thế này. Nên tôi quyết định sẽ làm những điều sau để giúp anh giải quyết.

Nếu anh đồng ý tôi sẽ post một bài đính chính trên blog của mình kèm theo email anh gửi cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm của Farm Fresh. Về khoản bồi thường cho tôi, đừng lo lắng. Tôi có thể tưởng tượng gánh nặng logistics của anh khi phải đền bù cho những khách hàng đang giận dữ ngoài kia và tôi không muốn làm tăng thêm gánh nặng ấy. Thay vì vậy, sau khủng hoảng, hãy tặng 2 chai sữa đền bù của tôi cho những trẻ mồ côi hay người vô gia cư gần nơi anh ở.”

Vài ngày sau Loi gửi lại cho Timothy một email

“Timothy thân,

Hôm nay tôi vừa gửi một vài sản phẩm của Farm Fresh tới văn phòng của anh. Hy vọng anh sẽ thích café latte của chúng tôi.

Về khoản đền bù của anh, tôi đã gửi 12 hộp sữa đến một viện dưỡng lão gần nhà máy của chúng tôi.

Hy vọng được gặp lại anh và gia đình trong những ngày nghỉ sắp tới.

Trân trọng,

Loi”

Sau đó vài phút, Timothy nhận được một thùng sau ở văn phòng của anh.

[​IMG]

Timothy nói ”Loi thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi. Ở thời điểm khủng hoảng, anh ấy vẫn bình tĩnh ứng xử với sự chân thành và hài hước. Vì sao chân thành à? Vì anh ấy không cần thiết phải đem sữa đến tận văn phòng cho tôi như thế này, và tặng cho viện dưỡng lão 12 hộp thay vì 2 hộp. Tôi tôn trọng anh ấy vì điều đó, phương châm sống của tôi là: Chuyện gì xảy đến với bạn không quan trọng, quan trọng là cách bạn phản ứng. 

Đặt vào tình huống đó, tôi không chắc mình có thể làm tốt hơn Loi. Anh ấy đã biến khủng hoảng thành cơ hội. Tôi rất muốn nhận lời mời đến trang trại và gặp Loi trong tương lai. Không phải để thăm những cô bò, mà để thăm người đàn ông đứng đằng sau trang trại”.


Minh Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Techinasia

Wednesday, October 14, 2015

DOANH NHÂN VIỆT BAO GIỜ HẾT NÔ LỆ CÁC LOẠI " ÔNG ANH "?

Viết bởi: Luật sư Trần Vũ Hải



Vừa sáng 13/10, ngày doanh nhân Việt, một thân chủ cũ của tôi, cũng là một doanh nhân từng có tiếng gọi điện thoại. Ông nói " luật sư ơi, doanh nghiệp chết hoặc ngoắc ngoải hết rồi, trừ mấy ông bà trong những nhóm lợi ích với các quan chức " . Tôi nói lại " mấy ông bà đó cũng không sướng đâu, như cá nằm trên thớt thôi ".

Nhân ngày này tôi xin đăng lại bài đã viết năm ngoái, vẫn còn giá trị đôi chút.
Doanh nhân Việt bao giờ hết nô lệ các loại " ông anh"?
Sắp đến ngày Doanh nhân Việt nam, xin bàn đôi chút về giới này. Có thể nói từ khi Việt nam chấp nhận kinh tế thị trường cho đến nay, chưa bao giờ tinh thần của các doanh nhân xuống như hiện nay. Phần lớn doanh nhân mà tôi quen biết đã rơi vào khó khăn, kể cả những người từng được coi là đại gia.
Trước đây, giới doanh nhân được xếp vào giới tư sản để phân biệt với giới vô sản, giới không có gì. Nay nhiều doanh nhân thậm chí không được xếp vào giới vô sản, vì tổng tài sản thực sự là âm, nợ chồng chất. Có người đã gục ngã, lao tù và chỉ có rất ít gắng dậy để tiếp tục kinh doanh.
Chưa thấy một lớp trẻ doanh nhân thay thế. Trước đây, phong trào khởi nghiệp đã thu hút khá nhiều các bạn trẻ. Nay ít thấy các bạn trẻ có tinh thần khởi nghiệp kinh doanh. Chỉ thấy những cuộc chạy đua vào công chức, viên chức. Như để thi vào công chức thuế Hà nội mới chỉ nộp hồ sơ đã thấy tình cảnh chen lấn kinh khủng.
Tại sao tình cảnh doanh nhân Việt lại thảm hại vậy. Có nhiều nguyên nhân. Tôi xin nêu đây vài nguyên nhân :
1. Các doanh nhân Việt chưa tôn trọng luật. Các phi vụ làm ăn kể cả hàng tỷ đến ngàn tỷ, các doanh nhân không cần đến luật sư chuyên nghiệp, tuỳ hứng soạn hợp đồng với nhau hoặc cóp nhặt ở đâu đó để thành văn bản thoả thuận. Tuy nhiên, những văn bản thoả thuận này thường không lường hết những tình huống và dự trù cách giải quyết. Nên khi có sự cố phát sinh, các bên cố đổ lỗi cho nhau và khó có phương thức giải quyết thích hợp, thường dẫn đến đổ vỡ. Ngay khi có mâu thuẫn, không có thói quen dùng luật sư chuyên nghiệp để đàm phán giải quyết, mà thích dùng các thế lực khác để đấu nhau, thậm chí tìm cách dìm đối tác cũ, thực ra là kéo nhau cùng chêt.
2. Doanh nhân vẫn nghĩ rằng phải dựa vào những ô nào đó mới có cơ hội hoặc khi có sự cố sẽ được che chở. Đây là sai lầm chết người, vì các loại ô ở Việt nam chỉ thích ăn chia ngay và không thích nhận trách nhiệm. Bất kể việc gì cũng ăn, kể cả khi bạn thịnh lẫn khi bạn suy. Cuối cùng doanh nhân chỉ là nô lệ cho những ô này cho đến khi tàn sức lực. 
Tôi biết có nữ doanh nhân chỉ có vài chục tỷ, đầu tư vào một dự án bất động sản có vốn tới nghìn tỷ. Đến khi phê duyêt dự án hết vốn hàng chục tỷ. Làm tiếp chỉ còn vốn vay mượn, nhưng vẫn chưa nhận được đủ đất vì các hộ dân giận giữ, không chấp nhận giao đất với giá chỉ bằng 30% thị trường. Chắc đến nhiều năm nữa cũng không có đất sạch, nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ còn biết xoay vốn để đảo nợ. Chắc chỉ năm sau thôi, nữ doanh nhân này sẽ ngã gục vì nợ nần. Nhưng họ vẫn không hiểu phải đàm phán với dân mua theo giá sát thị trường, thậm chí cao hơn mới nhanh chóng có đất sạch. Họ vẫn mong chờ vào những "ông anh". Một "ông anh" nổi tiếng đã chết. Một "ông anh" khác vẫn hứa hẹn, nhưng năm sau sẽ về hưu. Tiền biết ơn các "ông anh" thế nào, thật khó biết. 
Khi nào doanh nhân Việt mới gượng dậy? Chỉ khi họ biết cách tôn trọng luật chơi và biết cách sử dụng luật sư chuyên nghiệp thay vì làm nô lệ cho các loại "ông anh"?

Lưu ý thêm cho bài viết trên 1/ tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ đã được khơi dậy đôi chút, hy vọng sẽ khá hơn trong thời gian tới 2/ nữ doanh nhân tôi nói trong bài đã gục ngã, rất đáng tiếc.

Monday, September 7, 2015

Doanh nhân 21 tuổi nắm mạng lưới 1.000 khách sạn ở Ấn Độ

Một đêm nọ, cậu thanh niên 18 tuổi Ritesh Agarwal không thể vào được căn hộ chung cư của mình ở New Delhi, và chính điều không mong đợi này đã mở ra một cơ hội thay đổi cuộc đời cậu.
Buộc phải ra ngoài thuê phòng khách sạn ngủ, Agarwal phải đối mặt với một tình thế mà cậu đã không ít lần gặp phải khi đi du lịch ở Ấn Độ. “Nhân viên lễ tân đã ngủ. Ổ cắm điện trong phòng không hoạt động. Đệm bị rách, phòng tắm rò nước. Và cuối cùng, tôi không thể thanh toán bằng thẻ”, Agarwal nhớ lại.
Doanh nhân 21 tuổi nắm mạng lưới 1.000 khách sạn ở Ấn Độ
Doanh nhân trẻ người Ấn Độ Ritesh Agarwal.

“Tôi cảm thấy, nếu đây là vấn đề của mình, thì cũng là vấn đề đối với nhiều người khác đi du lịch ở Ấn Độ. Tại sao Ấn Độ không có một tiêu chuẩn tốt cho phòng khách sạn với mức giá phải chăng?”
4 năm sau, ở tuổi 21, Agarwal đã trở thành nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Oyo Rooms, một mạng lưới gồm 1.000 khách sạn hoạt động ở 35 thành phố trên khắp Ấn Độ, với tổng doanh thu khoảng 3,5 triệu USD mỗi tháng và 1.000 nhân viên.
Phương thức hoạt động của Oyo Rooms là hợp tác với các khách sạn không có thương hiệu để cải thiện chất lượng phòng, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu cho khách sạn này bằng tên Oyo, và hưởng phần trăm doanh thu của các khách sạn tham gia mạng lưới.
Đổi lại, chủ sở hữu của khách sạn được hưởng lợi từ tỷ lệ đặt phòng cao hơn nhờ thương hiệu Oyo.
Trong quá trình phát triển công ty, Agarwal còn phát triển một ứng dụng mà khách có thể dùng để đặt phòng, được chỉ dẫn đường đi tới khách sạn, và khi đến nơi có thể dùng ứng dụng này để gọi các dịch vụ trong khách sạn.
Oyo Rooms đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, nhưng Agarwal cho biết những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Hầu như không ai tin đây có thể trở thành một mô hình kinh doanh trong tương lai”, vị doanh nhân trẻ nhớ lại. Thậm chí, nhiều người cho rằng Agarwal bị “điên”.
Tuy nhiên, ý tưởng của Agarwal đã giúp anh nhận được tài trợ của Thiel Fellowship, một chương trình do Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal và nhà đầu tư vào mạng xã hội Facebook, tài trợ. Mỗi năm, chương trình này tài trợ cho 20 thanh niên nghỉ học và thay vào đó bắt tay vào kinh doanh.
Agarwal đã dùng tiền tài trợ từ chương trình này để bắt đầu kinh doanh. Oyo Rooms ra đời vào tháng 6/2013 với số vốn chỉ 900 USD mỗi tháng, ban đầu chỉ hợp tác với một khách sạn duy nhất ở Gurgaon gần New Delhi.
“Tôi vừa làm quản lý, kỹ sư, kiêm luôn cả lễ tân trong khách sạn này, và còn phát đồ cho các phòng nữa”, Agarwal nhớ lại. “Hàng đêm, tôi lại viết phần mềm ứng dụng và cải thiện website của công ty. Cùng với đó, tôi xây dựng nhóm của mình vì tôi biết điều muốn phát triển”.
Tuy vậy, cách duy nhất để Agarwal có thể thuyết phục các nhà đầu tư về ý tưởng của mình là cho họ thấy các khách sạn bình dân ở Ấn Độ có chất lượng tệ đến mức nào.
“Tôi đưa nhà đầu tư đầu tiên của chúng tôi tới khách sạn mà chúng tôi đã nâng cấp và những khách sạn khác chưa được nâng cấp. Ông ấy bị chúng tôi thuyết phục và tin tưởng vào việc đầu tư vào một công ty có thể tạo ra sự khác biệt”, Agarwal nhớ lại.
Giờ đây, khi công ty đã phát triển mạnh, việc thu hút vốn đầu tư trở nên dễ dàng hơn nhiều. Mới đây, Oyo Rooms được công ty Softbank của Nhật Bản nhất trí rót cho 100 triệu USD.
Hành trình của Agarwal từ một sinh viên bỏ học tới lúc trở thành ông chủ doanh nghiệp nghe qua có vẻ bằng phẳng. Tuy vậy, anh cho biết mở công ty năm 17 tuổi là điều không hề dễ dàng, bởi những điều hết sức bình thường như mở tài khoản ngân hàng hay thuê nhân viên ở tuổi đó cũng là việc khó. Thậm chí, có nhiều người còn tìm cách lợi dụng sự non nớt của anh.
Agarwal có luôn có tham vọng lớn từ khi còn nhỏ tuổi. Anh lớn lên ở Rayagada, một thị trấn nhỏ ở bang Orissa miền Đông Ấn Độ, và bắt đầu lập trình từ năm 8 tuổi. Năm 13 tuổi, anh đã bắt đầu giúp một số người trong thị trấn thiết kế website. Năm 17 tuổi, anh viết một cuốn sách về các trường kỹ thuật ở Ấn Độ nhằm giúp các sinh viên chọn đúng trường, đúng chương trình học cho phù hợp.
Giờ đây, một mục tiêu của Agarwal là mở rộng công ty ra nước ngoài. Anh hy vọng sẽ tạo ra được mạng lưới khách sạn lớn nhất thế giới. Tuy vậy, Agarwal thừa nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng, bởi việc chiêu mộ được đúng người khi công ty đang phát triển quá nhanh là một vấn đề khó.
Trọng tâm của Agarwal vào thời điểm này là cải thiện chất lượng dịch vụ của các khách sạn hiện có dựa trên phản hồi của khác hàng, và anh tiếp tục lạc quan về mở rộng công ty tại thị trường trong nước. Theo Agarwal, việc điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng phổ biến và độ phủ sóng Internet ngày càng rộng ở Ấn Độ cũng tạo ra tiềm năng lớn cho Oyo Rooms.
Với những người muốn có được thành công như Agarwal, lời khuyên của vị doanh nhân trẻ này là “hãy bắt đầu sớm”.
“Hãy khởi động nhanh chóng và nếu thất bại, bạn sẽ học được bài học và cơ hội thành công trong lần tiếp theo sẽ tăng lên”, Agarwal nói.
Theo vneconomy

Friday, September 4, 2015

Abraham Lincoln: Từ kẻ thất bại thảm hại đến Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ

Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, nổi tiếng không chỉ những thành tích ông làm được mà còn được kính nể bời sự gan lỳ trước bề dày “thất bại” trong suốt sự nghiệp của mình.

Abraham Lincoln: Từ kẻ thất bại thảm hại đến Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ
Lincoln đã có thể bỏ cuộc rất nhiều lần – nhưng ông không làm như vậy bởi vì ông không phải người bỏ cuộc.
Lincoln được sinh ra trong một căn nhà gỗ ở biên giới nước Mỹ. Mẹ ông mất khi ông còn nhỏ và cha ông đã đi bước nữa. May mắn cho ông có được người mẹ kế quan tâm và luôn khuyến khích ông đọc sách.
Với vốn kiến thức tối thiểu, ông tiếp xúc với những công việc tay chân khi vào tuổi trưởng thành. Lincoln làm nông cho một chủ trại giàu có trong vùng, làm người khuân vác và bán đồ tạp hóa.
Sự chuyển biến thần kỳ đến với Lincoln, khi ông bắt gặp một cuốn sách luật trong giỏ tạp hóa cũ được ông mua với giá 50 xu. Khi này, ông được 21 tuổi, làm việc trong cửa tiệm bách hóa, thời gian rảnh rỗi ông đọc cuốn sách luật và từ đó nhen nhóm trong ông một đam mê ngành luật.
Dù không thành công lắm trong thời gian đầu làm chính trị, quan điểm về chế độ nô lệ ở buổi tranh luận Lincoln-Douglas đã gây được sự chú ý của dư luận và tại hội nghị Đảng Cộng hòa năm 1860, ông được bổ nhiệm làm tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.
Lincoln được tuyển cử vào Nhà Trắng không phải là một sự ngẫu nhiên nhưng sự chia rẽ bè phái giữa miền Nam và miền Bắc của Đảng Dân chủ đã tạo thuận lợi cho ông. Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, Lincoln có lá phiếu nhiều hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp, William Seward, bởi vì ông được đánh giá là một ứng cử viên ôn hòa, yêu hòa bình.
Vào thời điểm ông tuyên thệ làm Tổng thống, 7 bang đã tan rã khỏi Liên bang vì vấn đề nô lệ, thế nhưng vị Tổng thống thứ 15 và sắp mãn nhiệm, Buchanan và bộ máy chính quyền dưới thời không thể kiểm soát nổi tình hình và phải từ bỏ.
Mặc dù Liên bang đang trong tình trạng lộn xộn và thiếu tài trợ, Quốc hội vẫn tìm cách cắt giảm chi phí và chỉ có Lincoln thấy được cần phải có hành động triệt để nếu muốn duy trì Liên bang và xóa bỏ chế độ nô lệ.
Quyết đoán và nghị lực, sự quyết tâm thay đổi khiến mọi người ngạc nhiên. Ông bổ nhiệm William Seward, đối thủ không đội trời chung trước kia, làm Tổng thư ký và Edwin Stanton làm Bộ trưởng chiến tranh. Cả hai người ban đầu đều coi thường “gã nông dân” Lincoln, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ đều thay đổi quan điểm của mình.
Sau khi ông mất, nhìn Lincoln với ánh mắt kính trọng, nuối tiếc, Stanton đá thốt lên, “Đây là nhà lãnh đạo tài ba nhất của thế giới từ cổ chí kim”.
Từ “zero” đến “hero”
Trong vai trò Tổng thống Hoa Kỳ, Lincoln có biệt danh là Người giải phóng vĩ đại qua những thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn đen tối nhất lịch sử: cuộc nội chiến Mỹ, khủng hoảng hiến pháp, quân sự và chấm dứt chế độ nô lệ. Đồng thời, Lincoln còn hiện đại hóa cũng như khôi phục nền kinh tế, tài chính đất nước sau chiến tranh.
Tuy nhiên, khi quay ngược lại quá khứ, thời điểm trước khi ông làm Tổng thống, thành tích chủ yếu của Lincoln được biết đến quan những thất bại mà ông trải qua hơn là những gì ông đã đạt được.
Năm 1831, Lincoln được 22 tuổi, ông có hùn vốn với bạn để mở một cửa hiệu tạp hóa trong một thị trấn nhỏ nhưng đã thất bại. Năm sau, với kinh nghiệm về luật tự học qua sách vở là chủ yếu, ông xin việc vào cơ quan lập pháp của tiểu bang nhưng không được nhận.
Cũng trong năm này, do lơ đễnh trong công việc bán hàng hiện tại để theo đuổi ước mơ luật sư nên bị chủ cho thôi việc. Nhưng không sao, Lincoln tận dụng cơ hội để đăng ký thi vào trường Luật, tuy nhiên lại không đủ điểm đậu.
Đến năm 24 tuổi, vay mượn của bạn để tạo dựng một doanh nghiệp riêng và tới cuối năm ông bị phá sản. Phải mất khá lâu ông mới có thể hoàn trả hết số tiền đi vay.
Vận may đã mỉm cười với Lincoln khi ông được nhận vào cơ quan luật pháp tiểu bang vào năm 1834. Điều ngạc nhiên là Lincoln hành nghề và mang chức danh luật sư mà không có bằng cấp hay chứng chỉ liên quan chứng nhận.
Hành nghề luật sư được bốn năm, ông tranh vị trí Chủ tịch Hạ viện nhưng lại bị đánh bại. Hai năm sau, nỗ lực phấn đấu vào danh sách ứng cử viên của Quốc hội và tiếp tục thất bại.
Hai mươi năm sau, tình hình vẫn không tiến triển, “thành tích” thất bại kéo dài càng hun đút sự cứng cỏi, lòng quyết tâm trong Lincoln.
Năm 1860, bằng những nổ lực không mệt mỏi, sau khi thua tám cuộc bầu cử, Lincoln đã được bầu làm Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ. Sự hân hoan và cũng có những nghi ngại về tài năng của Lincoln khi ông chính thức được đề bạt. Vì hiếm khi, một người ở vai trò Tổng thống lại có một chặng đường được mọi người biết đến qua thất bại nhiều hơn thành tích.
Đôi khi thành công không được đo bằng các đỉnh cao một người chinh phục, mà bằng các chướng ngại vật người đó đã vượt qua bằng tài năng của mình.
Sự vĩ đại của Abraham Lincoln đã bộc lộ ở mức độ cao nhất khi ông đối mặt với các thử thách có thể làm nản lòng những người kém cỏi. Sự thất bại, những lần thua cuộc và các nghịch cảnh lúc đầu đời là hành trang, kiến thức và kinh nghiệm quý báu của Lincoln.
Lincoln đã thể hiện sự thiên tài trong vị trí lãnh đạo và sự thành công trong vai trò Tổng thống đã khiến ông trở thành doanh nhân huyền thoại, là một trong bốn vị anh hùng của nước Mỹ được tạc tượng ở núi Rushmore.
Đinh Lộc
Theo Trí Thức Trẻ

Friday, August 21, 2015

Ông chủ Amazon: "Trí thông minh là món quà, còn lòng tốt là lựa chọn"

Vừa qua có rất nhiều bài báo miêu tả môi trường làm việc khắc nghiệt, kinh khủng tại công ty bán lẻ trực tuyến Amazon. Thậm chí còn có người phải thốt lên rằng “thà vô gia cư còn hơn phải làm việc cho Amazon”.
Trong bài viết, Amazon hiện lên như một môi trường làm việc "kinh hoàng, đau đớn", nơi người ta khích lệ đồng nghiệp dẫm đạp lẫn nhau, nơi xin phép nghỉ bệnh thôi cũng đáng bị kỷ luật. Nghe mà rùng mình! Nhưng có một giai thoại lạ lùng được kể lại bởi chính nhà sáng lập Jeff Bezos trước một nhóm sinh viên trường Princeton trong kỳ tốt nghiệp, dường như lại trái ngược hẳn với hình ảnh đáng sợ ấy.
Jeff Bezos kể lại rằng, ngày xưa ông rất muốn bà ngoại mình bỏ thuốc. Lên mười, ông ngồi tính xem mỗi lần hút thuốc, bà ông đã đánh mất bao nhiêu thời gian trong cuộc đời này. Một lần nọ, khi ngồi trong xe với ông bà, Jeff nói một câu nghe "sốc óc": "Cứ hai phút hút thuốc, bà lại giảm thọ mất chín năm."
Lúc đó Jeff thầm mong mình được khen ngợi vì phép toán ấy, kiểu như: "Cháu thông minh quá Jeff ạ. Hẳn cháu đã phải tính toán rất vất vả, nào tìm ra số phút mỗi năm rồi làm phép nhân, chia." Nhưng không, bà của Bezos òa khóc, còn người ông dừng khựng xe bên lề đường cao tốc và nói một câu đeo đẳng Jeff suốt 46 năm sau: "Jeff cháu, một ngày nào đó cháu sẽ hiểu sống tốt còn khó hơn sống khôn".
Sau câu chuyện này của Jeff, tờ báo Times đã rút ra một kết luận: "Nhiều năm sau, Jeff đã gây dựng lên một công ty công nghệ bán lẻ khổng lồ nhờ những tính cách tương tự năm nào, đó là thích sửa hành vi cho người khác, thẳng tính, cùng niềm tin to lớn vào sức mạnh của số liệu."
Và rồi trong buổi phát biểu tại trường Princeton, Jeff đã chia sẻ với các sinh viên rằng, đừng để trí tuệ "quyến rũ", đó chẳng khác gì tờ vé xổ số, ai cũng cậy vào nó được. "Trí thông minh là món quà, còn lòng tốt là lựa chọn".
Có thể, Jeff đã mang niềm đam mê tính toán vào kinh doanh, và văn hóa kỷ luật của Amazon không hề có đến hai chữ "đồng cảm", nhưng trong câu chuyện này, ít nhất Jeff đã nói lên được tác hại của việc quá ư coi trọng các phép toán, con số trong quan hệ giữa người với người. Jeff còn nhấn mạnh, việc con người chọn cách sống tốt với nhau còn quan trọng hơn so với việc đem trí tuệ ra làm thứ vũ khí cùn.

Công ty khởi nghiệp khác gì doanh nghiệp nhỏ?

Công ty khởi nghiệp khác gì doanh nghiệp tư nhân?
Chọn khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ? 
Ngày nay, hai từ Khởi nghiệp (Startup) luôn mang đến cảm giác kiêu hãnh và tự hào. Bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng đều có cùng khuôn mẫu như một sinh viên dũng cảm rời bỏ giảng đường đại học, “ẩn cư" trong một nhà kho hay gara xe nào đấy trong vài năm. Rồi một ngày nọ, anh ta phát minh ra những công nghệ cách tân thay đổi cả thế giới.
Cũng cần phải cảm kích những show truyền hình như “SharkTank” và “Silicon Valley”, cũng như những cuốn phim như “The Social Network” (Mạng xã hội) và “Jobs" (cuộc đời của Steve Jobs), càng ngày có nhiều người rời bỏ công việc 9-5 (đây là cách nói vui của dân công nghệ, ám chỉ những công việc văn phòng nhàm chán từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều), và mua vé một chiều bay đến vùng đất mơ ước: “Vương quốc Khởi Nghiệp” để viết nên những câu chuyện đi vào lịch sử nhân loại.
Blog Khởi nghiệp xin trích lược bài phân tích chỉ rõ những điểm khác biệt của một công ty khởi nghiệp và một công ty tư nhân do cô Mandela Schumacher-Hodge, một gương mặt trong danh sách Forbes 30 Under 30, diễn giả TEDx và là doanh nhân đăng tải trên trang cá nhân tại Medium.com.
Khởi nghiệp có thể bị lầm lẫn
Sau khi gặp gỡ và tư vấn cho hàng trăm doanh nhân khởi nghiệp trong hơn hai năm qua, tôi thấy rõ một điều rằng số đông không hiểu được (hay không chịu tìm hiểu) sự khác biệt giữa hai con đường: khởi nghiệp (startup) và phát triển doanh nghiệp nhỏ. Thực tế, sự khác biệt giữa hai con đường này quá quan trọng.
Tại sao quan trọng ư? Vì nó phụ thuộc vào tham vọng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng, vai trò của doanh nghiệp trong tương lai, bạn sẽ phải phát triển một chiến lược cụ thể. Và chiến lược đấy không phải là một chiến lược thông thường có thể tìm thấy trong sách vở hay internet.
Với bài viết này, tôi muốn giúp những ai đang muốn dấn thân vào con đường khởi nghiệp làm rõ một số vấn đề mấu chốt. Hi vọng là sau khi đọc bài này, bạn có thể thấy được sự khác biệt giữa hai con đường: khởi nghiệp (startup) và phát triển doanh nghiệp nhỏ (small business). Chúc các bạn có thể lựa chọn được con đường phù hợp cho mình.
Ảo tưởng về khởi nghiệp có thể dẫn đến thất bại nặng nề - Ảnh minh họa: Internet
Ảo tưởng về khởi nghiệp có thể dẫn đến thất bại nặng nề - Ảnh minh họa: Internet
Đầu tiên, tôi sẽ phải cần làm rõ: trong một số lĩnh vực, thuật ngữ “startup" không dùng để thông báo loại hình của doanh nghiệp, mà chủ yếu dùng để miêu tả trạng thái phát triển của doanh nghiệp (Ví dụ: tất cả các tập đoàn lớn hiện nay đều đã từng là startup). Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi tập trung vào một quan điểm duy nhất: Thuật ngữ” Khởi nghiệp (Startup) dùng để miêu tả một loại hình doanh nghiệp, vì nó khác hoàn toàn với những doanh nghiệp nhỏ (Small Business).
Lý do tôi cần phải nhấn mạnh sự khác biệt trên vì theo kinh nghiệm của tôi, dường như sẽ có sự khác biệt về mặt định hướng trong bản thân người doanh nhân khởi nghiệp. Ví dụ, người sáng lập một công ty khởi nghiệp (Startup), sẽ muốn ra mắt sản phẩm càng nhanh càng tốt, càng lớn càng tốt. Trong khi đó, người sáng lập một doanh nghiệp nhỏ (Small Business) sẽ có xu hướng phát triển doanh nghiệp với một quy mô tăng trưởng giới hạn (trong tầm tay kiểm soát của người sáng lập).
Những người trẻ có trình độ, năng động luôn tìm tòi nghiên cứu những công nghệ mới là đối tượng khởi nghiệp chính - Ảnh: Hải Nguyễn
Những người trẻ có trình độ, năng động luôn tìm tòi nghiên cứu những công nghệ mới là đối tượng khởi nghiệp chính - Ảnh: Hải Nguyễn
Thật đáng tiếc, điều duy nhất mà tôi thấy được rằng Khởi nghiệp (Startup) không phải dành cho tất cả mọi người
Mandela Schumacher-Hodge
10 khác biệt lớn giữa "Khởi nghiệp" và "Doanh nghiệp nhỏ"
1. Tính đột phá (Innovation): Bạn tạo ra một điều hoàn toán mới lạ?
* DN nhỏ: sẽ có vô số ví dụ về những doanh nhân đã và đang làm cùng mô hình kinh doanh giống bạn. Ví dụ: nhà hàng, văn phòng Luật sư, tiệm hớt tóc. Bạn thậm chí có thể nhắc tới kinh nghiệm của họ làm nền tảng cho ý tưởng kinh doanh của bạn.
* Khởi nghiệp (startup): Tính đột phá là điều bắt buộc. Là một startup, bạn có thể tạo ra một điều gì đấy chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn. Ví dụ, bạn có thể tạo ra một phân khúc mới trong sản xuất (như thiết bị thông minh đo lường sức khoẻ cá nhân), một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới (như AirBnb), hoặc một loại công nghệ độc đáo, chưa hề thấy (như công nghệ in 3D).
2. Tính tăng trưởng: Công ty của bạn có thể tăng trưởng đến mức nào?

* DN nhỏ: Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) sẽ được vận hành trong một phạm vi nhất định được giới hạn bởi người sáng lập. Nói cách khác, bản thân người chủ doanh nghiệp sẽ chủ động giới hạn sự tăng trưởng và tập trung phục vụ một phân khúc khách hàng nhất định.
* Startup: Một công ty khởi nghiệp (Startup) sẽ không đặt ra giới hạn cho sự tăng trưởng, và họ có tham vọng phát triển đến mức lớn nhất có thể. Họ tạo ra sự ảnh hưởng cực lớn, có thể được xem là người khai phá thị trường
3. Tốc độ Tăng trưởng: Công ty của bạn có thể tăng trưởng nhanh đến mức nào?
* DN nhỏ: Dĩ nhiên, bạn sẽ muốn doanh nghiệp của mình phát triển càng nhanh càng tốt, nhưng điều quan tâm đầu tiên của bạn sẽ là tạo ra lợi nhuận. Một khi đạt được điều này, bạn mới nghĩ đến việc mở rộng doanh nghiệp.
* Startup: Bạn sẽ đam mê tăng trưởng công ty càng nhanh càng tốt, và tạo ra một mô hình kinh doanh có tính tăng trưởng. Bạn sẽ muốn nhân bản mô hình kinh doanh thành công của mình ra khắp thế giới.
4. Lợi nhuận: Bạn cần thời gian bao lâu để tạo ra lợi nhuận, và giá trị lợi nhuận như thế nào?
* DN nhỏ: Người sáng lập sẽ muốn có doanh thu từ ngay ngày đầu tiên doanh nghiệp đi vào hoạt động, và tốt hơn nữa là có luôn lợi nhuận. Giá trị lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào số tiền mà bản thân người sáng lập muốn kiếm được (cho chính bản thân họ), cũng như sẽ phụ thuộc vào kế hoạch mở rộng doanh nghiệp.
* Startup: Có thể cần đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để có được doanh thu (dù rất nhỏ). Bạn sẽ tập trung vào phát triển một sản phẩm thật sự hữu ích cho người dùng, nhằm có được một lượng khách hàng đông đảo. Nếu kế hoạch thành công, lợi nhuận tài chính có thể rất khổng lồ. (Uber hiện được định giá tầm năm mươi tỉ đôla Mỹ)
5. Tài chính: Bạn cần chuẩn bị vốn như thế nào?
* DN nhỏ: Khi khởi đầu, ngoài tiền túi của mình, bạn sẽ cần dựa vào đóng góp từ gia đình, bạn bè, vay ngân hàng, hoặc vốn góp từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì mục tiêu là “sống sót", bạn sẽ phải quản lý chặt chẽ số tiền mình đang vay, nên nhớ là số tiền này sẽ phải được hoàn trả cùng với lãi suất.
* Startup: Nhiều startups bắt đầu từ chính tiền túi của người sáng lập, hoặc đóng góp từ gia đình và bạn bè. Một số trường hợp thì gọi vốn từ cộng đồng (crowdfunding). Tuy nhiên, phần lớn các startup đều phải gọn vốn từ các Nhà đầu tư thiên thần (angel investors) và Quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital).

Là một startup, bạn sẽ phải hi vọng tăng trưởng cực nhanh và cần một lượng vốn đủ mạnh để đạt được tham vọng này. Sẽ cần một thời gian dài để bạn có thể tạo ra doanh thu và có lợi nhuận. Cũng nên nhớ rằng những nhà đầu tư cho startup sẽ trông đợi nguồn lợi nhuận khổng lồ, do đó sẽ có những áp lực bắt buộc cho những nhà sáng lập. (Cũng cần lưu ý rằng có nhiều ý kiến cho rằng startup không phải lúc nào cũng cần dựa vào các Quỹ đầu tư)
6. Công nghệ: Bạn có cần áp dụng công nghệ
* DN nhỏ: Không bắt buộc, nhưng sẽ có nhiều công cụ kĩ thuật giúp ích cho việc điều hành công ty (như kế toán, marketing..).
* Startup: Công nghệ thường là đặc tính tiêu biểu của sản phẩm từ một startup. Dù vậy, ngay cả khi sản phẩm không dựa nhiều vào công nghệ, thì startup cũng cần áp dụng công nghệ để đạt được mục tiêu kinh doanh cũng như tham vọng tăng trưởng.
7. Vòng đời Công ty: Công ty của bạn có thể tồn tại trong bao lâu?
* DN nhỏ: 32% sẽ thất bại trong ba năm đầu. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn nhiều tích cực so với startup.
* Startup: 92% các startups sẽ thất bại trong ba năm đầu (thật đáng tiếc, đây lại là sự thật)

8. Kĩ năng Lãnh đạo: Bạn sẽ phải quản lý bao nhiêu nhân sự
* DN nhỏ: Số lượng nhân viên bạn phải quản lý phụ thuộc vào kế hoạch vận hành bạn đã hoạch định từ trước.
* Startup: Bởi vì bạn mong muốn phát triển càng to lớn càng tốt, càng nhanh càng tốt, bạn sẽ cần phải liên tục phát triển kĩ năng lãnh đạo và kĩ năng quản lý. Cùng với sự tăng trưởng của startup, bạn cần phải có sự quản lý hiệu quả với một số lượng “thành viên mới": nhân viên, nhà đầu tư, ban cố vấn, và các đối tác khác.
9. Cuộc sống cá nhân: Bạn sẽ cân bằng giữa khởi nghiệp và cuộc sống cá nhân ra sao?
* DN nhỏ: Nếu so sánh với startup, mức độ rủi ro sẽ thấp hơn nhiều. Lợi thế này có thể giúp bạn có được sự cân bằng giữa công việc kinh doanh và cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, vì công ty là của bạn, hãy luôn sẵn sàng chào đón những thử thách mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở “công việc 9-5". Sẽ luôn khó khăn và thử thách, nhưng cũng sẽ có đầy hi vọng bạn có thể cân bằng một cách phù hợp với bạn
* Startup: Nếu bạn nhận được vốn từ các nhà đầu tư , bạn sẽ có trách nhiệm giúp công ty tăng trường đến một thời điểm nhà đầu tư có thể tối đa hoá mức độ lợi nhuận. Hãy luôn nhớ rằng sẽ có vô số người trông đợi vào bạn, vào sản phẩm của bạn, vào thành công của bạn. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng có thể khái quát nôm na như: Công việc, công việc, công việc, và cuộc sống.

10. Tham vọng: Bạn có thể rời bỏ để theo đuổi dự án mới?
* DN nhỏ: Mục tiêu của bạn có thể là truyền lại công ty cho các thế hệ sau trong gia đình hoặc cũng có thể bán lại cho một tập đoàn khổng lồ.
* Startup: Tham vọng của bạn là một con đường thoái vốn khổng lồ như chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO).
Đọc đến đây, có thể bạn tự hỏi liệu Startup có thể trở thành Small Business hoặc ngược lại. Có, hoàn toàn có thể, nó có thể phụ thuộc vào chính bản thân bạn (như thay đổi kế hoạch, tầm nhìn hay sứ mệnh), hoặc đôi khi phụ thuộc vào yếu tố khách quan như thị trường thay đổi, nhu cầu khách hàng.
Tôi tin rằng thấu hiểu sự khác biệt giữa Khởi nghiệp (Startup) và Doanh nghiệp nhỏ (Small Business), và nhận biết điểm mạnh cá nhân của chính bạn là những yếu tố hết sức quan trọng để có thể đến được đích đến mơ ước.

Nguồn: Cafebiz

Wednesday, August 5, 2015

12 bước từ nhân viên thành doanh nhân


Nếu bạn khao khát làm nhưng điều mình thích, bạn thích những công việc có tính thách thức, và cảm thấy chán ghét với những việc lặp đi lặp lại thì hãy tham khảo những hướng dẫn sau để chuyển từ nhân viên trở thành doanh nhân nhé.


1. Xác định rõ bạn muốn làm gì

Nếu bạn có những niềm đam mê thì đây có lẽ là một dấu hiệu chứng tỏ bạn có tố chất làm doanh nhân. Tuy nhiên tố chất thôi còn chưa đủ, bạn cần dành thời gian suy nghĩ xem bạn thực sự muốn bắt tay vào làm gì và làm sao theo đuổi được đam mê của mình một cách dài hạn.

2. Suy tính về khả năng đón nhận của thị trường

Đôi khi chúng ta đam mê những thứ mà chỉ có một mình mình thích. Như vậy không làm bạn thành công với vai trò của một doanh nhân. Để thành công trên cương vị một doanh nhân thì làm sao đam mê của bạn phải mang lại giải pháp cho những người khác mà những người đó có thể sẵn sàng chi trả cho bạn.

3. Phỏng vấn khách hàng lý tưởng

Thật may mắn là nhờ có mạng Internet mà bạn dễ dàng khảo sát về những ý tưởng của mình với nhu cầu của khách hàng, và diễn đàn LÀM CHA MẸ là một nơi lý tưởng để bạn thực hiện những việc khảo sát đó.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc dành thời gian tìm hiểu các topic về những khó khăn của các thành viên trên diễn đàn. Thông thường phụ nữ thường dễ nói ra những khó khăn của họ một cách thật lòng qua việc chia sẻ với các thành viên khác hơn là trả lời cho những bảng khảo sát.

Tiếp theo, bạn có thể tạo tài khoản và phỏng vấn trực tiếp họ trong những topic chia sẻ của họ, rất có thể chính những thành viên diễn đàn này sẽ giúp bạn nảy ra những ý tưởng phù hợp cho họ.

Cuối cùng, bạn có thể lập topic bán hàng để thử nghiệm ý tưởng của mình, lắng nghe phản hồi của khách hàng và kết thân với họ.

4. Chuẩn bị phương án kinh doanh

Đừng lãng phí thời gian cho việc lập kế hoạch kinh doanh theo kiểu lê thê bài bản. Những cái đó hiếm khi phù hợp với thực tế. Thay vào đó bạn có thể nghiên cứu những cải tiến và xác định một vài thế mạnh, xác định những cách để bạn có thể thu được lợi nhuận, tính toán khả năng mở rộng, chuẩn bị những phương án để có thể thuê thêm nhân công,...

Nhiều người lầm tưởng kinh doanh là phải quảng cáo rầm rộ, sự thực không hẳn thế. Hiểu khó khăn của thị trường và có được giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề còn quan trọng hơn rất nhiều.

Có quá nhiều người làm về quảng cáo nên bạn có đầy các cách để quảng bá, nên việc đó không cần phải vội vã.

5. Xây dựng ý tưởng kinh doanh trên quy mô nhỏ

Những người làm việc ở công ty lớn thường có suy nghĩ muốn làm thật quy củ và bài bản khi khởi nghiệp, nào là kế hoạch kinh doanh, dự toán doanh thu... Nhưng vì ý tưởng của bạn có thể còn mới chưa phù hợp với thị trường và còn cần điều chỉnh nên thay vì làm thật bài bản với quy mô chuyên nghiệp thì hãy thử nghiệm ý tưởng kinh doanh của mình trên quy mô nhỏ, rồi sau đó quan sát và cải tiến dần lên.

6. Đánh giá thông tin phản hồi và điều chỉnh

Vận hành hoạt động quy mô nhỏ sẽ giúp bạn xác định phần nào trong ý tưởng của bạn đáng giá và phần nào cần điều chỉnh. Hãy tiếp nhận phản hồi của khách hàng một cách nghiêm túc và tiến hành những thay đổi cần thiết trước khi bắt đầu mở rộng quy mô.

7. Xây dựng nhân sự nòng cốt

Nếu ý tưởng của bạn thành công trong quy mô nhỏ và bạn cảm thấy tự tin thì hãy tìm kiếm những nhân sự nòng cốt cho công ty của mình. Bạn có thể chọn những đồng nghiệp có kinh nghiệm, hoặc chính những thành viên trên diễn đàn, là những người có cùng đam mê với bạn.

8. Huy động vốn

Có nhiều cách để huy động vốn nếu hình thức kinh doanh của bạn đã được thử nghiệm và chứng tỏ tiềm năng. Khi bạn tự tin với tiềm năng và mô hình kinh doanh đã được thử nghiệm thì bạn sẽ dễ dàng hơn khi quyết định huy động vốn.

9. Xác định cơ cấu pháp lý

Sau khi chuẩn bị và thực hành kinh doanh trên quy mô nhỏ đã mang lại thành công và hứa hẹn nhất định thì đó là đến lúc bạn nên dành thời gian xác định cơ cấu cho doanh nghiệp của mình. Hãy dành thời gian để tìm hiểu về luật nhất là bạn có chung phần với những người khác để cùng kinh doanh.

10. Rời bỏ công việc hiện tại

Thường khi công việc kinh doanh tiến triển tốt đẹp thì việc rời bỏ công việc cũ không còn là điều khó khăn khi quyết định. Tuy nhiên, trước khi nghỉ việc bạn nên dành thời gian chuẩn bị trước. Theo luật lao động thì bạn cần phải báo trước để công ty cũ chuẩn bị nhân sự thay thế và bàn giao công việc lại cho đồng nghiệp mới.

11. Thiết lập ngân sách hoạt động

Thường tỷ lệ công ty khởi nghiệp bị phá sản khá cao cho nên chuẩn bị ngân sách dự phòng tốt là một trong những việc làm quan trọng. Tốt nhất bạn nên có dự trữ nguồn kinh phí để hoạt động ít nhất 3 tháng trong trường hợp khó khăn không có doanh thu.

12. Mở rộng quy mô kinh doanh tùy theo kế hoạch tiếp thị

Cuối cùng, tất cả những gì bạn cần làm là thực hiện theo kế hoạch mà mình đã đặt ra. Tất nhiên, kế hoạch đó có thể thay đổi khi bạn gặp phải những trở ngại và vượt qua chúng.

Khó khăn không hề giảm bớt khi bạn đã thành lập được doanh nghiệp mà thậm chí còn có thể khó khăn hơn, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong các giai đoạn tiếp theo của việc kinh doanh nên chuẩn bị tinh thần tốt, sắp xếp công việc gia đình để làm sao cho cân bằng cũng là một việc quan trọng.

Và cuối cùng bạn nên luôn ghi nhớ câu "hành sự tại nhân và thành sự tại thiên" để tập trung cố gắng, đừng lãng phí thời gian cho những thói mê tín, thờ cúng mất thì giờ. Nếu không may thất bại thì hãy coi đó là bài học để tiếp tục đứng dậy và thử lại lần nữa.

Có rất nhiều kinh nghiệm hay, những lời khuyên bổ ích tại mục Kinh nghiệm kinh doanh tại diễn đàn LÀM CHA MẸ những điều này có thể giúp bạn mỗi ngày. Nếu gặp khó khăn hoặc có giải pháp cho vấn đề của người khác hãy tích cực chia sẻ vì điều đó cũng làm tăng bản lĩnh và kinh nghiệm cho bạn.

Nguồn: 

12 bước từ nhân viên thành doanh nhân