Monday, October 28, 2013

Làm gì khi khách hàng lớn bỏ đi?

Làm gì khi khách hàng lớn bỏ đi?

Là một nhà quản trị doanh nghiệp, bạn phải lường trước được mọi rủi ro có thể xảy ra đối với công ty của mình, trong đó có việc khách hàng lớn nhất bỏ đi. Trong nhiều lý do khác nhau khiến bạn bị mất khách hàng quan trọng, có một vài điều có thể dự báo trước. Điều quan trọng là khi xảy ra trường hợp không mong muốn đó, bạn nên ứng phó như thế nào?
 
Đừng để tất cả trứng trong cùng một giỏ

Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất chính là để một khách hàng trở nên đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp vì càng ngày, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào khách hàng đó.

Câu ngạn ngữ “Không để tất cả trứng trong một giỏ” chính là nguyên tắc mà bạn nên ghi nhớ và làm theo. Bên cạnh việc tích cực duy trì và phát triển mối quan hệ kinh doanh với khách hàng lớn, bạn vẫn phải ưu tiên xây dựng và vun đắp những mối quan hệ với nhiều khách hàng khác để đề phòng trường hợp khách hàng ấy bỏ đi thì bạn vẫn còn “đất dụng võ”, tức là doanh số và lợi nhuận có thể bị giảm, nhưng không làm cho doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng suy sụp.

Giữ gương mặt lạnh

Cố gắng duy trì một gương mặt không cảm xúc khi bạn nghe được tin khách hàng lớn đã bỏ đi. Cùng gương mặt bình thản, tự tin, bạn cần có sức mạnh ý chí để nhanh chóng tìm được khách hàng thay thế, thậm chí mở được hướng đi mới cho doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên của bạn rất cần bạn tỏ ra là người có bản lĩnh như vậy. Hãy duy trì lòng tự tin và làm gương cho việc giữ vững tinh thần, nhuệ khí làm việc cho các nhân viên của mình.

Động viên nhân viên

Khi khách hàng lớn bỏ đi, hãy dành thời gian gặp gỡ các nhân viên từng có quan hệ trực tiếp với khách hàng ấy để thu thập thông tin và rút kinh nghiệm, đồng thời chủ động chỉ ra cho họ hướng đi trong thời gian tới, đảm bảo ai cũng có công việc và tiếp tục tiến tới những mục đích lớn hơn. Cố gắng tránh việc chuẩn bị rục rịch sa thải nhân viên vì điều đó càng dễ làm doanh nghiệp rệu rã. Một doanh nhân giỏi luôn biết giữ chân nhân viên dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Tin tưởng rằng trong cái rủi có cái may

Đôi khi mất đi một khách hàng lại là một dấu hiệu tích cực, giúp bạn giải phóng khỏi đường ray cũ kỹ để chuyển sang một quỹ đạo phát triển mới có nhiều triển vọng hơn. Nó cho phép bạn tập trung vào việc định hướng phát triển chiến lược và cải thiện hệ thống làm việc của toàn tổ chức. Hãy tin rằng mất một khách hàng là chuyện hoàn toàn bình thường trong kinh doanh và sự xuất hiện một khách hàng mới cũng là chuyện bình thường tương tự.
Điều cốt lõi là từ sự mất đi một khách hàng lớn, bạn sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị kỹ càng hơn để đối diện với những thách thức khác trong tương lai và củng cố sự gắn kết chặt chẽ của bạn với những nhân viên cốt cán của mình để cùng nhau phát hiện và khai thác những cơ hội kinh doanh mới lớn hơn.
Theo HÀ LAM
Entrepreneur/Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Sunday, October 13, 2013

10 câu hỏi bạn nên trả lời trước khi bỏ việc để khởi nghiệp

10 câu hỏi bạn nên trả lời trước khi bỏ việc để khởi nghiệp

Trong cuốn sách Quitter: Closing the Gap Between Your Day Job & Your Dream Job (Lampo Press, 2011), tác giả Jon Acuff đã chia sẻ có tới khoảng 70 tới 80% người nghĩa tới việc bỏ việc để theo đuổi 1 thứ gì đó. Rất nhiều người dậy vào sáng thứ 2 và nói “Tôi đã tới đây thế nào?” và thỉnh thoảng dừng công việc trong 6 tháng để tìm chính mình, nhưng rồi họ tìm họ vẫn chỗ cũ sau từng đó năm. Không có gì thay đổi.

Theo Acuff và các chuyên gia khác chúng ta cần cân nhắc trước khi xin thôi việc để khởi nghiệp! Và đây là 10 câu hỏi bạn nên hỏi chính bạn trước khi gửi sếp đơn xin nghỉ việc.

1. Thôi việc có làm bạn hạnh phúc hơn?

Trước khi nghỉ việc để bước vào một lãnh thổ còn nguyên sơ, hãy thực sự chắc chắn những điều bạn muốn – không đơn giản bạn nghĩ bạn muốn gì hay con đường để thoát khỏi công việc hiện tại. “Theo cá nhân tôi tin rằng bạn nên có gắng tìm niềm vui cho công việc. Có quá nhiều người chịu đựng 1 cách lặng lẽ công việc của họ, nhưng trước khi bạn rời đi để trở thành ông chủ, bạn phải tin bạn sẽ hạnh phúc hơn. Nếu bạn không thể nói điều đó, vậy đừng nghỉ việc.” – Chris Hurn, tác giả cuốn Entrepreneur’s Secret to Creating Wealth: How The Smartest Business Owners Build Their Fortunes (Advantage, 2012) chia sẻ.

2. Liệu bây giờ có đúng lúc?

Nếu vợ bạn đang mang thai, hoặc bạn phải chăm sóc mẹ già, có lẽ chưa phải lúc để bạn rời công việc, để chạy theo giấc mơ. Vì đó là thứ giúp bảo đảm cho cuộc sống của bạn. Acuff cho rằng “Chúng ta ném ra những câu nói chỉ dẫn như “Hãy cứ làm đi” hay “Hãy bước ra trong niềm tin. Và rồi chúng ta giả vờ rằng chúng ta không có một thế chấp, hóa đơn hay trách nhiệm nào phải mang. Hãy thật lòng với chính hoàn cảnh hiện tại, hãy thực tế nhìn vào những hóa đơn và trách nhiệm. Lúc đó hãy mới đưa ra quyết định.”

3. Tôi sẽ tốn bao nhiêu?

Thiệt hại lớn nhất khi bắt đầu kinh doanh là gì? Đó là thiếu vốn! – Deborah Shane của Fort Myers, tác giả của Career Transition – Make the Shift: Your Five Steps to Successful Career Reinvention (Deborah Shane, 2010). Bạn nên có một quỹ dự phòng hay tiết kiệm để có thể chi trả cho việc kinh doanh trong 1 khoảng thời gian nhất đinh, khoảng thời gian đó sẽ được quyết định bởi bản chất kinh doanh. “Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ tiền để trả cho cả bạn và chi phí kinh doanh trong khoảng thời gian đó trước khi mạo hiểm ra ngoài 1 mình” – Shane chia sẻ.

4. Gia đình và bạn bè có ủng hộ?

Tài năng và yếu điểm đã được kiểm chứng qua những giai đoạn khó khăn là của bạn, và phát triển từ bạn. Acuff đề nghị hãy hỏi những người bạn tin tưởng nhất liệu bạn có hợp với công việc định làm không. Nói chuyện nhiều với gia đình và bạn thân sẽ giúp bạn nhận ra liệu mình có đang theo đuổi những gì mình muốn hay đơn giản bạn chỉ đang chạy trốn khỏi hiện tại. Đừng nói chuyện với những kẻ mơ mộng sẽ nói với bạn rằng hãy cứ làm đi. Hãy nói chuyện với những người sẽ thành thật với bạn, luôn cổ vũ bạn nếu thực sự bạn đang đi đúng đường.

5. Bạn sẵn sàng bao nhiêu để thay đổi cách sống?

Một số người rất giỏi trong việc theo kế hoạch. Dậy sớm, đi làm vài tiếng, hoàn thành công việc, trao đổi với đồng nghiệp thực sự tốt cho họ. Nhưng khởi nghiệp lại có thể là bất cứ thứ gì, chứ không đơn thuần theo kế hoạch. Nó có nghĩa giờ làm việc dài và vất vả hơn, thời gian làm việc một mình nhiều hơn. Nó cũng có nghĩa sẽ phải luôn tự cổ vũ chính mình, phải sắp xếp, đổi mới, sáng tạo và chủ động. Bản chất của nó không phải ai cũng hợp – Shane chia sẻ.

6. Bạn có thực sự kỷ luật để là sếp chính mình?

Nhiều người nghĩ họ có thể trở thành sếp của chính mình, điều đó khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng điều đó đúng, nhưng không phải luôn luôn. Không phải ai cũng là sếp của chính mình được. Mặc dù các doanh nhân có đủ dạng và đủ loại, nhưng họ thường cùng chia sẻ 1 mẫu hình chân dung của một người lãnh đạo giỏi, khao khát mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Nhiều người nghĩ doanh nhân là những người mạo hiểm, nhưng thực ra không nhất thiết phải vậy. Những doanh nhân thành công thẩm định, tính toán trước khi bát đầu kinh doanh và luôn cố làm giảm nhất có thể những mối nguy hiểm trong kế hoạch mới.

7. Tôi có thể thử bơi vào đại dương mà không phải bỏ việc?

Acuff khuyến khích mọi người nên kiểm tra nghề mơ ước của mình trước khi rời bỏ vị trí vững chắc để theo đuổi điều gì đó toàn thời gian. Bạn có thể thấy bạn không thích công việc mới như bạn tưởng tượng. Trước khi bỏ kế toán để mở quán cafe, có lẽ sẽ tốt nếu bạn thử làm ở Starbucks bán thời gian trong 6 tháng, để xem bạn có ghét cafe và con người hay không. Hãy luyện tập giấc mơ.

8. Vẫn còn những kỹ năng cần phát triển?

Trước khi bước ra ngoài, hãy bảo đảm bạn có đủ những kỹ năng liên quan, các tiêu chuẩn và những giá trị vô hình để thực hiện vụ kinh doanh mới. Điều đó rất quan trọng trong việc cập nhật những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình và có khả năng sử dụng truyền thông xã hội như 1 lợi thế.

9. Bạn có chắc ý tưởng kinh doanh của bạn tốt?

Chắc chắn lên kế hoạch phù hợp với thị trường là điều cần thiết. Hãy luôn nghĩ còn có gì bạn muốn làm nữa không. Shane chia sẻ “Tôi làm việc với nhiều người sáng tạo đã bắt đầu công việc kinh doanh dựa vào phong cách họ, thế giới họ hôm nay. Họ đã tìm thấy cơ hội để giúp đỡ những người mẹ, gia đình, những cá nhân đang chết đói. Hãy bảo đảm rằng ý tưởng của bạn có ảnh hưởng trước khi nhảy 1 bước xa.”

10. Bạn đã có kế hoạch kinh doanh?

Kế hoạch kinh doanh không nhất thiết dài như 1 cuốn tiểu thuyết, nhưng bất cứ ai bắt đầu kinh doanh nên sắp xếp mọi thứ theo kế hoạch, trong đó có kế hoạch bán hàng và marketing tốt. Kế hoạch chắp vá không phải 1 sự lựa chọn cho thị trường cạnh tranh ngày nay. Shane cho rằng “Nó không nhất thiết phải phức tạp, nhưng nó phải đơn giản đủ để tóm gọn trong 1 trang giấy. Nhìn nó phải như 1 tấm bản đồ.”

Và giờ mong bạn đã có những quyết định rõ ràng. Chúc bạn khởi nghiệp thành công!

Thu Hằng
Theo: Entrepreneur/techdaily
Nguồn: pandora

Wednesday, October 9, 2013

Tập trung một cách tốt để chiến thắng người khổng lồ

Tập trung một cách tốt để chiến thắng người khổng lồ

Gần đây do nền kinh tế có sự suy thoái nên có rất nhiều đại gia tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Phải kể đến những công ty rất lớn như Viettel, FPT, Thegioididong, VNG, VCCorp... rồi đến các đại gia nước ngoài như Rocket Internet, rồi sắp tới những đại gia bán lẻ khác cũng sẽ gia nhập vào thị trường thương mại điện tử như Pico, Trần Anh,... rồi Phú Thái... Và có thể các nhà sản xuất cũng mở kênh bán hàng online để có thể bán hàng trực tiếp.

Họ là những đại gia thực sự với kinh nghiệm và nguồn lực tài chính mạnh mẽ, có nguồn hàng giá tốt, nhiều đối thủ có sự chuyên nghiệp cao. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho những người kinh doanh online nhỏ. Vậy làm sao để các doanh nghiệp nhỏ, những người bán hàng tay trái có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ to lớn và chuyên nghiệp như vậy?

Các bạn đừng lo lắng. Nhỏ có những ưu thế của nhỏ như một chia sẻ trước đây của các thành viên diễn đàn LÀM CHA MẸ.

Bài viết này tôi xin chia sẻ một trong những cách giúp chúng ta có được ưu thế giống như các doanh nghiệp lớn.

Trước hết xin phân tích 1 chút về thế mạnh của doanh nghiệp lớn trong việc cạnh tranh với các công ty nhỏ hơn: Những công ty lớn thường có ngân sách rất lớn cho việc marketing và quảng cáo, do vậy thương hiệu và website của họ sẽ được nhiều người biết đến. Bạn nghĩ rằng mình có thể bỏ tiền để làm SEO cho trang web của bạn được nhiều người biết đến thì đây là một suy nghĩ vội vàng. Vì nếu cá nhân bạn có thể chi vài chục triệu để làm SEO thì các công ty lớn, họ cũng có thể chi cho SEO thậm chí còn lớn hơn nhiều, họ có thể chi cả chục tỷ đồng cho SEO, cho quảng cáo trên mạng xã hội và thậm chí trên nhiều phương tiện truyền thông khác. Như vậy họ sẽ có thể bán được số lượng hàng hóa lớn hơn. Khi bán được nhiều hàng hơn, họ sẽ có lợi thế để đàm phán với nhà cung cấp để ép được mức giá thấp hơn rất nhiều nên thậm chí họ có thể bán hàng với giá thậm chí thấp hơn cả giá mà bạn mua vào nữa.

Do vậy, nếu muốn cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp lớn đòi hỏi bạn phải bán được nhiều hơn họ thì bạn mới có cơ hội được chiết khấu cao từ nhà cung cấp. Vậy làm thế nào để có thể bán được nhiều hàng hơn cả những công ty khổng lồ với đội ngũ nhân viên đông đảo và kinh phí tiếp thị to lớn?

Không quá khó đâu. Chỉ cần bạn tập trung và nỗ lực trong sự tập trung cao độ.

Các công ty lớn, tuy bán được nhiều hàng nhưng họ khá dàn trải trên nhiều mặt hàng và chủng loại sản phẩm nên về số lượng của từng loại mặt hàng có thể không phải một con số quá lớn mà bạn không thể vượt qua.

Mình từng trao đổi với một vài thành viên trên diễn đàn LÀM CHA MẸ, họ rất thành công. Doanh số của họ khá ấn tượng và họ đạt được số lượng hàng bán ra cho một số ít mặt hàng rất cao, không thua kém gì các công ty lớn. Bởi vậy họ cũng mua được hàng với mức giá rất tốt để có được giá bán thấp hơn cho khách hàng mà vẫn có lợi nhuận tốt.

Bạn đừng vì lợi nhuận mà bán hàng giả, hàng kém chất lượng vì khách hàng bây giờ rất khôn ngoan và họ có nhiều thông tin để so sánh nên những ý định lừa dối sẽ không đem lại thành công bền vững.

Nhưng sự tập trung cao độ để đạt được sự chuyên nghiệp cao, được danh tiếng trong lĩnh vực hẹp và quan trọng để có thể bán được một số lượng hàng đủ lớn đủ mạnh để nhà cung cấp phải bán cho bạn với giá tốt nhất. Khi đó bạn không phải lo lắng khi cạnh tranh với các công ty lớn.

Hãy tập trung và tìm cách liên tục cải tiến, vì các công ty lớn khi cạnh tranh quá gay gắt họ cũng sẽ phải loại bỏ những thứ không phù hợp và tập trung hơn và khi bạn tập trung chuyên môn hóa lúc này, thì đây là cơ hội tốt để công việc kinh doanh của bạn tăng trưởng và trở nên lớn mạnh.

Để tìm hiểu thêm các giải pháp tập trung hãy tham khảo và chia sẻ ở mục Kinh nghiệm kinh doanh trên diễn đàn LÀM CHA MẸ hoặc đọc các cuốn sách "Người khổng lồ bé nhỏ", "Những kẻ dẫn đầu" do Alphabook phát hành.

Chúc các bạn thành công, 

7 xu hướng tiếp thị trực tuyến thống trị năm 2014

7 xu hướng tiếp thị trực tuyến thống trị năm 2014

Giữa kỷ nguyên công nghệ thông tin hiện tại, internet ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, thay đổi gần như toàn diện cách thức chia sẻ và trao đổi thông tin. Chính vì thế, online marketing dần trở thành kênh tiếp thị quan trọng của mọi doanh nghiệp dù là tiếp thị B2B (Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp) hay B2C (Doanh nghiệp đối với khách hàng). Theo Forbes, để đáp ứng nhu cầu phát triển, doanh nghiệp cần nắm bắt rõ 7 xu hướng online marketing sau:



1. Nội dung lớn hơn bao giờ hết

Bằng cách sử dụng nhiều kênh truyền tải nội dung: mạng xã hội, bài viết trên website doanh nghiệp, thư điện tử thông tin (eNewsletter), video…, doanh nghiệp có thể phối hợp để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Các nội dung này gần như không còn bị giới hạn về thời gian, cách thức truyền tải. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể truyền đi một lượng thông tin khổng lồ mà hiệu quả sẽ lấn át các cách thức tiếp thị truyền thống như truyền hình và phát thanh.

2. Truyền thông xã hội cần đa dạng hơn

Cách đây vài năm, các doanh nghiệp không có nhiều kênh mạng xã hội để sử dụng làm công cụ truyền thông. Chúng chỉ giới hạn với Facebook, LinkedIn, Twitter. Tuy nhiên, giờ đây nhiều mạng xã hội dần trở nên phổ biến hơn và khẳng định vị thế, điển hình như: Pinterest, Google+, Tumblr và Instagram. Mỗi mạng xã hội có một thế mạnh về cách truyền tải thông tin. Vì thế, các chương trình tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp cần sử dụng nhiều mạng xã hội hơn, khai thác đúng thế mạnh của từng phương tiện.

3. Hình ảnh là trung tâm

Để người dùng nhanh chóng “tiêu hóa” các nội dung tiếp thị, doanh nghiệp cần tập trung sử dụng hình ảnh chứ đừng chú trọng vào các bài viết dài. Hình ảnh cần trực quan, sinh động để dễ dàng gây chú ý. Đặc biệt là các hình ảnh đồ họa chứa thông tin có tính tương tác cao. Nếu làm tốt, chỉ cần một ảnh đồ họa thông tin cũng đủ thay thế nội dung cả bài viết lớn mà người đọc còn dễ nhớ, dễ chia sẻ.

4. Thông điệp đơn giản

Một xu hướng đáng chú ý khác là đừng nên đưa các thông điệp tiếp thị phức tạp, sâu sắc mà hãy đơn giản hóa chúng. Theo Forbes, ngay cả các thương hiệu danh tiếng như Apple, Google cũng đưa ra thông điệp tiếp thị hết sức đơn giản. Vì thế, đừng khiến đối tượng mục tiêu phải “vò đầu bứt tai” suy nghĩ một thông điệp tiếp thị.

5. Nội dung thân thiện trên điện thoại di động

Theo Forbes, vào năm 2017, 87% doanh số thiết bị kết nối sẽ là điện thoại di động và máy tính bảng”. Nói như thế để hiểu rằng điện thoại di động đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống mọi người. Vì thế, doanh nghiệp cần tạo điều kiện tối đa để khách hàng có thể tiếp cận trên thiết bị cá nhân này. Giải pháp là phải đưa ra các phiên bản website thích hợp với điện thoại di động, chứa các nội dung đơn giản, dễ nhận biết.

6. Quảng cáo theo dấu mục tiêu

Đây là xu hướng đang nổi lên gần đây. Bằng cách dựa vào cookie của trình duyệt người dùng, cần đảm bảo rằng các khách hàng sẽ lại nhìn thấy quảng cáo về những sản phẩm mà họ đã xem, đã tìm hiểu. Điều này đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp sẽ luôn chiếm ưu thế trong tâm trí khách hàng khi nghĩ về một nhóm sản phẩm nào đó. Trước mắt, họ có thể chưa mua nhưng về lâu dài lại rất hữu ích.

7. SEO và mạng xã hội ngày càng gắn bó

Đối với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) trực tuyến, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò cao hơn. Trước kia, kết quả tìm kiếm thường chỉ tập trung vào những website truyền thống thì nay đã có sự thay đổi đáng kể. Những kết quả tìm kiếm xuất phát từ mạng xã hội đang hiện diện ở khu vực “bề trên”. Thực tế này bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều người chia sẻ các nội dung gồm hình ảnh, video chất lượng cao nên dễ thu hút.

Theo Hoàng Đình
Nguồn: Tuổi trẻ