Monday, September 7, 2015

Doanh nhân 21 tuổi nắm mạng lưới 1.000 khách sạn ở Ấn Độ

Một đêm nọ, cậu thanh niên 18 tuổi Ritesh Agarwal không thể vào được căn hộ chung cư của mình ở New Delhi, và chính điều không mong đợi này đã mở ra một cơ hội thay đổi cuộc đời cậu.
Buộc phải ra ngoài thuê phòng khách sạn ngủ, Agarwal phải đối mặt với một tình thế mà cậu đã không ít lần gặp phải khi đi du lịch ở Ấn Độ. “Nhân viên lễ tân đã ngủ. Ổ cắm điện trong phòng không hoạt động. Đệm bị rách, phòng tắm rò nước. Và cuối cùng, tôi không thể thanh toán bằng thẻ”, Agarwal nhớ lại.
Doanh nhân 21 tuổi nắm mạng lưới 1.000 khách sạn ở Ấn Độ
Doanh nhân trẻ người Ấn Độ Ritesh Agarwal.

“Tôi cảm thấy, nếu đây là vấn đề của mình, thì cũng là vấn đề đối với nhiều người khác đi du lịch ở Ấn Độ. Tại sao Ấn Độ không có một tiêu chuẩn tốt cho phòng khách sạn với mức giá phải chăng?”
4 năm sau, ở tuổi 21, Agarwal đã trở thành nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Oyo Rooms, một mạng lưới gồm 1.000 khách sạn hoạt động ở 35 thành phố trên khắp Ấn Độ, với tổng doanh thu khoảng 3,5 triệu USD mỗi tháng và 1.000 nhân viên.
Phương thức hoạt động của Oyo Rooms là hợp tác với các khách sạn không có thương hiệu để cải thiện chất lượng phòng, đào tạo nhân viên, xây dựng thương hiệu cho khách sạn này bằng tên Oyo, và hưởng phần trăm doanh thu của các khách sạn tham gia mạng lưới.
Đổi lại, chủ sở hữu của khách sạn được hưởng lợi từ tỷ lệ đặt phòng cao hơn nhờ thương hiệu Oyo.
Trong quá trình phát triển công ty, Agarwal còn phát triển một ứng dụng mà khách có thể dùng để đặt phòng, được chỉ dẫn đường đi tới khách sạn, và khi đến nơi có thể dùng ứng dụng này để gọi các dịch vụ trong khách sạn.
Oyo Rooms đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, nhưng Agarwal cho biết những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Hầu như không ai tin đây có thể trở thành một mô hình kinh doanh trong tương lai”, vị doanh nhân trẻ nhớ lại. Thậm chí, nhiều người cho rằng Agarwal bị “điên”.
Tuy nhiên, ý tưởng của Agarwal đã giúp anh nhận được tài trợ của Thiel Fellowship, một chương trình do Peter Thiel, nhà đồng sáng lập PayPal và nhà đầu tư vào mạng xã hội Facebook, tài trợ. Mỗi năm, chương trình này tài trợ cho 20 thanh niên nghỉ học và thay vào đó bắt tay vào kinh doanh.
Agarwal đã dùng tiền tài trợ từ chương trình này để bắt đầu kinh doanh. Oyo Rooms ra đời vào tháng 6/2013 với số vốn chỉ 900 USD mỗi tháng, ban đầu chỉ hợp tác với một khách sạn duy nhất ở Gurgaon gần New Delhi.
“Tôi vừa làm quản lý, kỹ sư, kiêm luôn cả lễ tân trong khách sạn này, và còn phát đồ cho các phòng nữa”, Agarwal nhớ lại. “Hàng đêm, tôi lại viết phần mềm ứng dụng và cải thiện website của công ty. Cùng với đó, tôi xây dựng nhóm của mình vì tôi biết điều muốn phát triển”.
Tuy vậy, cách duy nhất để Agarwal có thể thuyết phục các nhà đầu tư về ý tưởng của mình là cho họ thấy các khách sạn bình dân ở Ấn Độ có chất lượng tệ đến mức nào.
“Tôi đưa nhà đầu tư đầu tiên của chúng tôi tới khách sạn mà chúng tôi đã nâng cấp và những khách sạn khác chưa được nâng cấp. Ông ấy bị chúng tôi thuyết phục và tin tưởng vào việc đầu tư vào một công ty có thể tạo ra sự khác biệt”, Agarwal nhớ lại.
Giờ đây, khi công ty đã phát triển mạnh, việc thu hút vốn đầu tư trở nên dễ dàng hơn nhiều. Mới đây, Oyo Rooms được công ty Softbank của Nhật Bản nhất trí rót cho 100 triệu USD.
Hành trình của Agarwal từ một sinh viên bỏ học tới lúc trở thành ông chủ doanh nghiệp nghe qua có vẻ bằng phẳng. Tuy vậy, anh cho biết mở công ty năm 17 tuổi là điều không hề dễ dàng, bởi những điều hết sức bình thường như mở tài khoản ngân hàng hay thuê nhân viên ở tuổi đó cũng là việc khó. Thậm chí, có nhiều người còn tìm cách lợi dụng sự non nớt của anh.
Agarwal có luôn có tham vọng lớn từ khi còn nhỏ tuổi. Anh lớn lên ở Rayagada, một thị trấn nhỏ ở bang Orissa miền Đông Ấn Độ, và bắt đầu lập trình từ năm 8 tuổi. Năm 13 tuổi, anh đã bắt đầu giúp một số người trong thị trấn thiết kế website. Năm 17 tuổi, anh viết một cuốn sách về các trường kỹ thuật ở Ấn Độ nhằm giúp các sinh viên chọn đúng trường, đúng chương trình học cho phù hợp.
Giờ đây, một mục tiêu của Agarwal là mở rộng công ty ra nước ngoài. Anh hy vọng sẽ tạo ra được mạng lưới khách sạn lớn nhất thế giới. Tuy vậy, Agarwal thừa nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng, bởi việc chiêu mộ được đúng người khi công ty đang phát triển quá nhanh là một vấn đề khó.
Trọng tâm của Agarwal vào thời điểm này là cải thiện chất lượng dịch vụ của các khách sạn hiện có dựa trên phản hồi của khác hàng, và anh tiếp tục lạc quan về mở rộng công ty tại thị trường trong nước. Theo Agarwal, việc điện thoại thông minh (smartphone) ngày càng phổ biến và độ phủ sóng Internet ngày càng rộng ở Ấn Độ cũng tạo ra tiềm năng lớn cho Oyo Rooms.
Với những người muốn có được thành công như Agarwal, lời khuyên của vị doanh nhân trẻ này là “hãy bắt đầu sớm”.
“Hãy khởi động nhanh chóng và nếu thất bại, bạn sẽ học được bài học và cơ hội thành công trong lần tiếp theo sẽ tăng lên”, Agarwal nói.
Theo vneconomy

Friday, September 4, 2015

Abraham Lincoln: Từ kẻ thất bại thảm hại đến Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ

Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln, nổi tiếng không chỉ những thành tích ông làm được mà còn được kính nể bời sự gan lỳ trước bề dày “thất bại” trong suốt sự nghiệp của mình.

Abraham Lincoln: Từ kẻ thất bại thảm hại đến Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ
Lincoln đã có thể bỏ cuộc rất nhiều lần – nhưng ông không làm như vậy bởi vì ông không phải người bỏ cuộc.
Lincoln được sinh ra trong một căn nhà gỗ ở biên giới nước Mỹ. Mẹ ông mất khi ông còn nhỏ và cha ông đã đi bước nữa. May mắn cho ông có được người mẹ kế quan tâm và luôn khuyến khích ông đọc sách.
Với vốn kiến thức tối thiểu, ông tiếp xúc với những công việc tay chân khi vào tuổi trưởng thành. Lincoln làm nông cho một chủ trại giàu có trong vùng, làm người khuân vác và bán đồ tạp hóa.
Sự chuyển biến thần kỳ đến với Lincoln, khi ông bắt gặp một cuốn sách luật trong giỏ tạp hóa cũ được ông mua với giá 50 xu. Khi này, ông được 21 tuổi, làm việc trong cửa tiệm bách hóa, thời gian rảnh rỗi ông đọc cuốn sách luật và từ đó nhen nhóm trong ông một đam mê ngành luật.
Dù không thành công lắm trong thời gian đầu làm chính trị, quan điểm về chế độ nô lệ ở buổi tranh luận Lincoln-Douglas đã gây được sự chú ý của dư luận và tại hội nghị Đảng Cộng hòa năm 1860, ông được bổ nhiệm làm tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ.
Lincoln được tuyển cử vào Nhà Trắng không phải là một sự ngẫu nhiên nhưng sự chia rẽ bè phái giữa miền Nam và miền Bắc của Đảng Dân chủ đã tạo thuận lợi cho ông. Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, Lincoln có lá phiếu nhiều hơn đối thủ cạnh tranh trực tiếp, William Seward, bởi vì ông được đánh giá là một ứng cử viên ôn hòa, yêu hòa bình.
Vào thời điểm ông tuyên thệ làm Tổng thống, 7 bang đã tan rã khỏi Liên bang vì vấn đề nô lệ, thế nhưng vị Tổng thống thứ 15 và sắp mãn nhiệm, Buchanan và bộ máy chính quyền dưới thời không thể kiểm soát nổi tình hình và phải từ bỏ.
Mặc dù Liên bang đang trong tình trạng lộn xộn và thiếu tài trợ, Quốc hội vẫn tìm cách cắt giảm chi phí và chỉ có Lincoln thấy được cần phải có hành động triệt để nếu muốn duy trì Liên bang và xóa bỏ chế độ nô lệ.
Quyết đoán và nghị lực, sự quyết tâm thay đổi khiến mọi người ngạc nhiên. Ông bổ nhiệm William Seward, đối thủ không đội trời chung trước kia, làm Tổng thư ký và Edwin Stanton làm Bộ trưởng chiến tranh. Cả hai người ban đầu đều coi thường “gã nông dân” Lincoln, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ đều thay đổi quan điểm của mình.
Sau khi ông mất, nhìn Lincoln với ánh mắt kính trọng, nuối tiếc, Stanton đá thốt lên, “Đây là nhà lãnh đạo tài ba nhất của thế giới từ cổ chí kim”.
Từ “zero” đến “hero”
Trong vai trò Tổng thống Hoa Kỳ, Lincoln có biệt danh là Người giải phóng vĩ đại qua những thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn đen tối nhất lịch sử: cuộc nội chiến Mỹ, khủng hoảng hiến pháp, quân sự và chấm dứt chế độ nô lệ. Đồng thời, Lincoln còn hiện đại hóa cũng như khôi phục nền kinh tế, tài chính đất nước sau chiến tranh.
Tuy nhiên, khi quay ngược lại quá khứ, thời điểm trước khi ông làm Tổng thống, thành tích chủ yếu của Lincoln được biết đến quan những thất bại mà ông trải qua hơn là những gì ông đã đạt được.
Năm 1831, Lincoln được 22 tuổi, ông có hùn vốn với bạn để mở một cửa hiệu tạp hóa trong một thị trấn nhỏ nhưng đã thất bại. Năm sau, với kinh nghiệm về luật tự học qua sách vở là chủ yếu, ông xin việc vào cơ quan lập pháp của tiểu bang nhưng không được nhận.
Cũng trong năm này, do lơ đễnh trong công việc bán hàng hiện tại để theo đuổi ước mơ luật sư nên bị chủ cho thôi việc. Nhưng không sao, Lincoln tận dụng cơ hội để đăng ký thi vào trường Luật, tuy nhiên lại không đủ điểm đậu.
Đến năm 24 tuổi, vay mượn của bạn để tạo dựng một doanh nghiệp riêng và tới cuối năm ông bị phá sản. Phải mất khá lâu ông mới có thể hoàn trả hết số tiền đi vay.
Vận may đã mỉm cười với Lincoln khi ông được nhận vào cơ quan luật pháp tiểu bang vào năm 1834. Điều ngạc nhiên là Lincoln hành nghề và mang chức danh luật sư mà không có bằng cấp hay chứng chỉ liên quan chứng nhận.
Hành nghề luật sư được bốn năm, ông tranh vị trí Chủ tịch Hạ viện nhưng lại bị đánh bại. Hai năm sau, nỗ lực phấn đấu vào danh sách ứng cử viên của Quốc hội và tiếp tục thất bại.
Hai mươi năm sau, tình hình vẫn không tiến triển, “thành tích” thất bại kéo dài càng hun đút sự cứng cỏi, lòng quyết tâm trong Lincoln.
Năm 1860, bằng những nổ lực không mệt mỏi, sau khi thua tám cuộc bầu cử, Lincoln đã được bầu làm Tổng thống thứ 16 Hoa Kỳ. Sự hân hoan và cũng có những nghi ngại về tài năng của Lincoln khi ông chính thức được đề bạt. Vì hiếm khi, một người ở vai trò Tổng thống lại có một chặng đường được mọi người biết đến qua thất bại nhiều hơn thành tích.
Đôi khi thành công không được đo bằng các đỉnh cao một người chinh phục, mà bằng các chướng ngại vật người đó đã vượt qua bằng tài năng của mình.
Sự vĩ đại của Abraham Lincoln đã bộc lộ ở mức độ cao nhất khi ông đối mặt với các thử thách có thể làm nản lòng những người kém cỏi. Sự thất bại, những lần thua cuộc và các nghịch cảnh lúc đầu đời là hành trang, kiến thức và kinh nghiệm quý báu của Lincoln.
Lincoln đã thể hiện sự thiên tài trong vị trí lãnh đạo và sự thành công trong vai trò Tổng thống đã khiến ông trở thành doanh nhân huyền thoại, là một trong bốn vị anh hùng của nước Mỹ được tạc tượng ở núi Rushmore.
Đinh Lộc
Theo Trí Thức Trẻ