Sunday, September 11, 2016

Phân Biệt Cái Của Mình Với Cái Không Phải Của Mình

Có thể bạn cảm thấy phì cười về cái tiêu đề topic hơi ngô nghê này nhưng quả thật tôi nhận thấy rằng càng ngày càng có đông người hay nhầm lẫn giữa cái của mình với cái của người khác hoặc cái của chung. Nhiều người thường ngang nhiên chiếm đoạt cái của người khác và nhất là của chung làm của riêng nhưng lại thờ ơ với cái thực sự của mình.

Có vẻ bạn vẫn còn băn khoăn không hiểu ý tôi muốn nói gì? Tôi xin giải thích ngay đây:

Bạn có bao giờ gặp các trường hợp đám cưới tổ chức chiếm trọn toàn bộ lòng đường và chủ nhà chỉ đề cái bảng đặt giữa đường ghi chữ đại ý "Nhà có việc, xin đi lối khác" không?

Bạn có bao giờ gặp trường hợp người ta để xe nghênh ngang giữa đường để tiện tạt vào mua hàng mặc kệ cả dãy dài xe cộ và mọi người phải chờ không?

Đó là điển hình của những trường hợp chiếm đoạt của chung làm của riêng.

Thế còn chiếm của người khác làm của mình cũng tương tự, đó là khi mọi người đang xếp hàng tự nhiên có người chạy lên chen ngang chiếm chỗ của người khác.

Thế còn có những cái đáng ra của riêng mình thì chúng ta lại chẳng thèm quan tâm, thậm chí chúng ta cũng vô tư chẳng nhận đó là của mình nữa.

Có thể bạn sẽ phản đối và bảo rằng vô lý, làm gì có chuyện đó, rằng cái gì của tôi thì tôi phải biết chứ. Nhưng quả thật có nhiều thứ mà chúng ta lại chối bỏ chúng.

Vậy cái mà nhiều người chối bỏ là gì?

Đó là những quyền mà hiến pháp quy định nhưng chúng ta chối bỏ mà không quyết liệt bảo vệ.

Ví dụ: Chúng ta bị công an dừng xe đòi kiểm tra giấy tờ khi không nêu rõ bằng chứng chúng ta phạm luật mà chúng ta không dám đòi quyền chính đáng là "quyền được coi là vô tội và không phải chứng mình là mình vô tội trước" và đòi "người buộc tội phải chứng minh trước".

Ví dụ trong điều 20 của Hiến pháp có quy định rõ "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm." Nhưng đôi khi chúng ta bị người khác (thậm chí là vợ/chồng) đánh đập mà chúng ta cứ đau đớn chịu đựng và oán trách cuộc đời mình bất hạnh.

Ví dụ trong điều 25 của Hiến pháp có quy định rõ "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình." Nhưng chúng ta lại không dám công khai tranh luận về chính trị trên các diễn đàn, hay trên Facebook vì sợ bị quy là phản động, thậm chí chúng ta lại chê cười những người thể hiện cái quyền chính đáng của họ.

Tôi không khuyên các bạn phải quyết liệt bảo vệ mọi quyền của mình vì đôi khi chúng ta không thể làm được việc đó ngay. Nhưng chúng ta nên sử dụng cái quyền tiếp cận thông tin mà đặc biệt thông tin về hiến pháp, và pháp luật để hiểu và sống theo hiến pháp và pháp luật và trở thành những công dân tốt, công dân có trách nhiệm với bản thân mình và cộng đồng.

THAM KHẢO THÊM

Hiến pháp năm 2013
Bộ luật dân sự
Bộ luật hình sự
Bị bắt nạt và ném đá trên mạng và cách phòng tránh
Những Nguyên Tắc Pháp Luật Bạn Không Thể Không Biết
Phân biệt cái của mình với cái không phải của mình

No comments:

Post a Comment