Friday, December 27, 2013

Tính năng Aha Chat và khả năng chat từ web với điện thoại

Tính năng Aha Chat và khả năng chat từ web với điện thoại

Ahamai mới được bổ sung một tính năng hữu ích giúp người bán hàng trên Ahamai và Lamchame.com có thể chat trực tiếp với người bán, như thời Pingbox hồi trước trên Yahoo Messenger, nhưng bây giờ không chỉ là chat trên máy tính mà còn trên điện thoai.

Để giúp khách hàng vào topic bán hàng của bạn ở Lamchame.com có thể chat với bạn (tất nhiên bạn đã phải có tài khoản và đang sử dụng Ahamai trên điện thoại) bạn có thể làm theo các bước như sau:

1. Click vào một sản phẩm bất kỳ nào tại đây:



2. Sau đó xuống phần comment vào sản phẩm và click vào nút "Trả lời"



3. Đăng nhập với tài khoản của bạn



4. Refresh lại trang để hiện ra các menu của mình sau khi đã đăng nhập



5. Click vào menu "Sinh mã"



Rồi chọn "Sinh mã chat"



6. Click vào nút "Hoàn thành"

Rồi copy đoạn mã nhúng BBCode

7. Trở về topic trên Lamchame.com, bạn dán đoạn mã này vào nơi bạn muốn đặt khung chat

Vậy là xong. 

Friday, December 6, 2013

Hướng dẫn: Để sản phẩm của bạn được lên cao trong kết quả tìm kiếm của Google

Hướng dẫn: Để sản phẩm của bạn được lên cao trong kết quả tìm kiếm của Google

Ahamai được thiết kế với những tính năng tối ưu hóa cho kết quả tìm kiếm của Google do vậy biết một số đặc tính sau sẽ giúp sản phẩm của bạn có thứ hạng cao hơn trong kết quả tìm kiếm của Google.

1. Sử dụng tên sản phẩm ngắn gọn

Hãy chú ý cách gọi tên và phân biệt sản phẩm của bạn. Ví dụ bạn bán áo tắm một mảnh mang nhãn hiệu Victoria Secret thì nên đặt tên sản phẩm là "Áo tắm một mảnh Victoria Secret". Viết như vậy đủ ngắn gọn và cũng đủ sự đầy đủ cho sản phẩm của bạn. Nếu bạn đặt quá ngắn như "áo tắm" hay "Victoria secret" thì những từ khóa này có độ cạnh tranh rất cao và khả năng sản phẩm của bạn lên đầu trong kết quả tìm kiếm của Google là rất khó. Tuy nhiên nếu dùng "Áo tắm Victoria Secret" thì cũng được. Nhưng nếu bạn bạn có nhiều loại áo tắm Victoria Secret khác nhau thì viết như lúc đầu là đầy đủ và dễ tìm kiếm nhất.

2. Chuẩn bị sẵn địa chỉ để đăng sản phẩm vào địa chỉ cụ thể

Ahamai là công cụ được thiết kế cho việc tìm kiếm liên quan đến địa điểm nên nếu bạn đăng sản phẩm và có địa chỉ rõ ràng chắc chắn sẽ có kết quả tốt cho những ai muốn tìm mua sản phẩm gần chỗ bạn bán hàng. Ví dụ khách hàng gõ vào thanh tìm kiếm của Google nội dung sau "Áo tắm một mảnh Victoria Secret Sài Gòn" chẳng hạn mà bạn lại bán sản phẩm đó ở Sài Gòn thì kết quả của bạn sẽ được đưa lên cao hơn của người khác cũng bán sản phẩm này nhưng ở Hà Nội.

Thực tế là vậy, khi tôi gõ từ khóa "Áo tắm một mảnh Victoria Secret" thì kết quả link sản phẩm đó nằm ở thứ 5 trong trang đầu tiên của Google. Nhưng khi tôi gõ "Áo tắm một mảnh Victoria Secret Sài Gòn" hoặc "Áo tắm một mảnh Victoria Secret Cống Quỳnh" thì link về sản phẩm đó nằm đầu tiên trong kết quả tìm kiếm của Google vì người bán này bán sản phẩm đó ở cửa hàng tại phố Cống Quỳnh, Quận 1, TP Sài Gòn.

3. Chọn đúng phân mục

Đăng sản phẩm vào đúng phân mục cũng rất quan trọng. Nó không chỉ giúp cho người dùng Ahamai tìm thấy sản phẩm của bạn dễ dàng hơn nhưng Google cũng vậy nó sẽ giúp người dùng tìm ra sản phẩm của bạn cho dù họ không đánh đúng từ khóa là tên sản phẩm của bạn nhưng với phân nhóm đúng cũng giúp cho họ thấy SP của bạn dễ dàng hơn.

4. Sử dụng khéo léo các từ khóa tags

Nếu người dùng không đánh đúng phân nhóm sản phẩm của bạn, không đánh đúng tên sản phẩm của bạn thì làm thế nào giúp họ tìm ra sp của bạn? Đúng rồi các từ khóa tags. Bạn đừng đặt tag là các từ khóa đơn như: bò, gà, lợn, gạo, bánh... Những từ khóa đơn có độ cạnh tranh rất cao và rất khó gúp gì được cho bạn. Hãy dùng từ khóa ghép sao cho bạn tưởng tượng rằng họ sẽ gõ khi định tìm ra sản phẩm của bạn.

Ví dụ bạn bán giò me thì bạn có thể dùng các từ khóa cho tags như: giò bê, giò bò, thực phẩm tết, giò nghệ an, giò bê nghệ an, món ngon nghệ an, giò me nghệ an...

5. Mô tả sản phẩm cũng cần khéo léo

Google là cỗ máy khá thông minh nên nó có thể hiểu nội dung bài viết so với các từ khóa tags. Do vậy trong mô tả về sản phẩm bạn nên có nhắc đến những thông tin sau đây ít nhất một lần nữa:

  • Tên sản phẩm
  • Những từ khóa tags mà bạn cho là quan trọng (nhưng nên viết một cách khéo léo trong câu có nghĩa thay vì liệt kê hàng loạt)
  • Địa chỉ nơi bạn bán hàng
  • Tên hay nick name của bạn
  • Số điện thoại của bạn

6. Nên có cả số điện thoại của bạn

Khi dùng Ahamai bạn nên khai báo số điện thoại của bạn trong phần Thông tin liên hệ. Ngoài việc giúp cho người dùng Ahamai liên hệ với bạn tiện lợi hơn thì khi khai báo số điện thoại cũng giúp cho Google giúp khách hàng của bạn tìm thấy bạn dễ dàng hơn.

Giả sử một khách hàng cũ của bạn chỉ nhớ số điện thoại của bạn mà không biết nick của bạn nên không biết hàng hóa của bạn ra sao họ có thể gõ số điện thoại của bạn trên Google và như vậy Google sẽ dẫn họ đến các trang bán sản phẩm của bạn trên Ahamai.

Hy vọng với những thông tin như vậy sẽ giúp cho việc bạn đăng sản phẩm lên Ahamai sẽ có nhiều kết quả hơn, kinh doanh được đông khách hơn.

Chúc bạn thành công,

Sunday, November 17, 2013

Dùng DNS sạch để không bị mất tài khoản hoặc mã thẻ tín dụng

Khi giả mạo DNS người ta có thể làm các trang web giả như GMail giả để lấy mất tài khoản Gmail, Amazon giả để lấy mất mã thẻ tín dụng... Và nhiều nguy cơ khác như cài virus vào máy...

Để đảm bảo không bị nguồn DNS độc, chúng ta nên sử dụng các DNS tin cậy như DNS của Google, DNS của OpenDNS.

Chúng ta cũng không nên dùng DNS của các nhà mạng ở Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT. Ai dám chắc là VNPT không giả Amazon để đánh cắp mã thẻ tín dụng khi họ làm vậy để dùng VnExpress làm giả trang Blog nổi tiếng Dân Làm Báo?

Để sử dụng DNS đáng tin cậy chúng ta có thể xem hướng dẫn trong video clip này: 

http://www.youtube.com/watch?v=QJ4whqDns-M

Hoặc video clip này

http://www.youtube.com/watch?v=ud4QN54nBpU

Hoặc xem trong hướng dẫn này 

http://taifacebook.vn/cach-thay-doi-dns-de-truy-cap-facebook/

Wednesday, November 13, 2013

Bán hàng online và lên top trong kết quả của Google

Bán hàng online và lên top trong kết quả của Google

Trong bài viết trước Lên top Google không khó mình có hướng dẫn cách thức để thông tin về topic của bạn được lên vị trí cao trong kết quả tìm kiếm của Google.

Tuy nhiên sau một thời gian tìm hiểu mình phát hiện ra rằng nếu không dành thời gian nghiên cứu một chút sản phẩm của mình mà chỉ tìm cách SEO để cho lên top những từ khóa về chủng loại sản phẩm thì chúng ta sẽ vấp phải những cuộc chiến vô nghĩa để cố đẩy thông tin của mình lên top trong kết quả tìm kiếm của Google một cách quá khó khăn, tốn kém mà người dùng lại không tìm ở những từ khóa như vậy.

Có thể các bạn nghe nói kinh doanh online hay trên mạng với công nghệ thì nó hay hơn kinh doanh truyền thống thì điều đó không đúng. Chúng ta chỉ sử dụng công nghệ nhưng khi áp dụng công nghệ sai thì chỉ kéo chúng ta đi xa cái đích cần đến nhanh hơn mà thôi.

Vậy để được Google dẫn đến cho bạn nhiều khách hàng, bạn cũng nên hiểu một chút về kiến thức cơ bản trong marketing. Đó là hiểu khách hàng, hiểu sản phẩm, và xác định cho mình nhóm đối tượng cần nhắm đến (trong marketing họ gọi là định vị) trên thị trường.

Giả sử bạn bán chăn ga gối Hàn quốc mang nhãn hiệu Everron mà bạn cố tìm cách SEO để đẩy từ khóa "Hàn Quốc" lên đầu thì thật vô nghĩa vì thật khó để bạn có thể vượt lên trên kết quả chỉ đến các trang tin tức nói về Hàn Quốc. Dù bạn có trả tiền cho Adword thì hết thời gian trả tiền bạn lại bị tụt xuống.

Mà cho dù bạn có lên đầu thì khi người ta tìm máy bơm nước Hàn quốc có ra cái topic của bạn thì người ta cũng chẳng click vào nó vì nó không phải thứ họ tìm.

Nếu như bạn chọn từ khóa "chăn ga gối hàn quốc" thì lại khác, nếu bạn chọn từ khóa "chăn ga gối everron" hoặc "chăn ga everron" ... thì việc cạnh tranh giảm đi rất nhiều.

Để đạt kết quả tìm kiếm tốt, bạn nên kết hợp môi trường cộng đồng thảo luận đông như lamchame.com để chiếm thứ hạng cao cho các kết quả nhóm hoặc chủng loại sản phẩm, và kết hợp với công cụ tách biệt như Ahamai để chiếm các từ khóa chính xác về tên sản phẩm.

Ahamai được thiết kế tốt để nó hoạt động hiệu quả cả với Google cũng như trên các diễn đàn và các mạng xã hội, nó giúp người bán tiết kiệm công sức đăng tin lên các mạng xã hội mà lại hiệu quả với SEO cho riêng từng tên mặt hàng.

Với Ahamai, bạn có thể đăng từng sản phẩm riêng và cơ chế của Ahamai sẽ giúp cho tên sản phẩm của bạn dễ được thứ hạng tốt trong kết quả tìm kiếm khi người dùng tìm chính xác tên sản phẩm. 

Monday, October 28, 2013

Làm gì khi khách hàng lớn bỏ đi?

Làm gì khi khách hàng lớn bỏ đi?

Là một nhà quản trị doanh nghiệp, bạn phải lường trước được mọi rủi ro có thể xảy ra đối với công ty của mình, trong đó có việc khách hàng lớn nhất bỏ đi. Trong nhiều lý do khác nhau khiến bạn bị mất khách hàng quan trọng, có một vài điều có thể dự báo trước. Điều quan trọng là khi xảy ra trường hợp không mong muốn đó, bạn nên ứng phó như thế nào?
 
Đừng để tất cả trứng trong cùng một giỏ

Một trong những sai lầm đáng tiếc nhất chính là để một khách hàng trở nên đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp vì càng ngày, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn bị lệ thuộc vào khách hàng đó.

Câu ngạn ngữ “Không để tất cả trứng trong một giỏ” chính là nguyên tắc mà bạn nên ghi nhớ và làm theo. Bên cạnh việc tích cực duy trì và phát triển mối quan hệ kinh doanh với khách hàng lớn, bạn vẫn phải ưu tiên xây dựng và vun đắp những mối quan hệ với nhiều khách hàng khác để đề phòng trường hợp khách hàng ấy bỏ đi thì bạn vẫn còn “đất dụng võ”, tức là doanh số và lợi nhuận có thể bị giảm, nhưng không làm cho doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng suy sụp.

Giữ gương mặt lạnh

Cố gắng duy trì một gương mặt không cảm xúc khi bạn nghe được tin khách hàng lớn đã bỏ đi. Cùng gương mặt bình thản, tự tin, bạn cần có sức mạnh ý chí để nhanh chóng tìm được khách hàng thay thế, thậm chí mở được hướng đi mới cho doanh nghiệp. Đội ngũ nhân viên của bạn rất cần bạn tỏ ra là người có bản lĩnh như vậy. Hãy duy trì lòng tự tin và làm gương cho việc giữ vững tinh thần, nhuệ khí làm việc cho các nhân viên của mình.

Động viên nhân viên

Khi khách hàng lớn bỏ đi, hãy dành thời gian gặp gỡ các nhân viên từng có quan hệ trực tiếp với khách hàng ấy để thu thập thông tin và rút kinh nghiệm, đồng thời chủ động chỉ ra cho họ hướng đi trong thời gian tới, đảm bảo ai cũng có công việc và tiếp tục tiến tới những mục đích lớn hơn. Cố gắng tránh việc chuẩn bị rục rịch sa thải nhân viên vì điều đó càng dễ làm doanh nghiệp rệu rã. Một doanh nhân giỏi luôn biết giữ chân nhân viên dù trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Tin tưởng rằng trong cái rủi có cái may

Đôi khi mất đi một khách hàng lại là một dấu hiệu tích cực, giúp bạn giải phóng khỏi đường ray cũ kỹ để chuyển sang một quỹ đạo phát triển mới có nhiều triển vọng hơn. Nó cho phép bạn tập trung vào việc định hướng phát triển chiến lược và cải thiện hệ thống làm việc của toàn tổ chức. Hãy tin rằng mất một khách hàng là chuyện hoàn toàn bình thường trong kinh doanh và sự xuất hiện một khách hàng mới cũng là chuyện bình thường tương tự.
Điều cốt lõi là từ sự mất đi một khách hàng lớn, bạn sẽ có kinh nghiệm chuẩn bị kỹ càng hơn để đối diện với những thách thức khác trong tương lai và củng cố sự gắn kết chặt chẽ của bạn với những nhân viên cốt cán của mình để cùng nhau phát hiện và khai thác những cơ hội kinh doanh mới lớn hơn.
Theo HÀ LAM
Entrepreneur/Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Sunday, October 13, 2013

10 câu hỏi bạn nên trả lời trước khi bỏ việc để khởi nghiệp

10 câu hỏi bạn nên trả lời trước khi bỏ việc để khởi nghiệp

Trong cuốn sách Quitter: Closing the Gap Between Your Day Job & Your Dream Job (Lampo Press, 2011), tác giả Jon Acuff đã chia sẻ có tới khoảng 70 tới 80% người nghĩa tới việc bỏ việc để theo đuổi 1 thứ gì đó. Rất nhiều người dậy vào sáng thứ 2 và nói “Tôi đã tới đây thế nào?” và thỉnh thoảng dừng công việc trong 6 tháng để tìm chính mình, nhưng rồi họ tìm họ vẫn chỗ cũ sau từng đó năm. Không có gì thay đổi.

Theo Acuff và các chuyên gia khác chúng ta cần cân nhắc trước khi xin thôi việc để khởi nghiệp! Và đây là 10 câu hỏi bạn nên hỏi chính bạn trước khi gửi sếp đơn xin nghỉ việc.

1. Thôi việc có làm bạn hạnh phúc hơn?

Trước khi nghỉ việc để bước vào một lãnh thổ còn nguyên sơ, hãy thực sự chắc chắn những điều bạn muốn – không đơn giản bạn nghĩ bạn muốn gì hay con đường để thoát khỏi công việc hiện tại. “Theo cá nhân tôi tin rằng bạn nên có gắng tìm niềm vui cho công việc. Có quá nhiều người chịu đựng 1 cách lặng lẽ công việc của họ, nhưng trước khi bạn rời đi để trở thành ông chủ, bạn phải tin bạn sẽ hạnh phúc hơn. Nếu bạn không thể nói điều đó, vậy đừng nghỉ việc.” – Chris Hurn, tác giả cuốn Entrepreneur’s Secret to Creating Wealth: How The Smartest Business Owners Build Their Fortunes (Advantage, 2012) chia sẻ.

2. Liệu bây giờ có đúng lúc?

Nếu vợ bạn đang mang thai, hoặc bạn phải chăm sóc mẹ già, có lẽ chưa phải lúc để bạn rời công việc, để chạy theo giấc mơ. Vì đó là thứ giúp bảo đảm cho cuộc sống của bạn. Acuff cho rằng “Chúng ta ném ra những câu nói chỉ dẫn như “Hãy cứ làm đi” hay “Hãy bước ra trong niềm tin. Và rồi chúng ta giả vờ rằng chúng ta không có một thế chấp, hóa đơn hay trách nhiệm nào phải mang. Hãy thật lòng với chính hoàn cảnh hiện tại, hãy thực tế nhìn vào những hóa đơn và trách nhiệm. Lúc đó hãy mới đưa ra quyết định.”

3. Tôi sẽ tốn bao nhiêu?

Thiệt hại lớn nhất khi bắt đầu kinh doanh là gì? Đó là thiếu vốn! – Deborah Shane của Fort Myers, tác giả của Career Transition – Make the Shift: Your Five Steps to Successful Career Reinvention (Deborah Shane, 2010). Bạn nên có một quỹ dự phòng hay tiết kiệm để có thể chi trả cho việc kinh doanh trong 1 khoảng thời gian nhất đinh, khoảng thời gian đó sẽ được quyết định bởi bản chất kinh doanh. “Hãy chắc chắn rằng bạn có đủ tiền để trả cho cả bạn và chi phí kinh doanh trong khoảng thời gian đó trước khi mạo hiểm ra ngoài 1 mình” – Shane chia sẻ.

4. Gia đình và bạn bè có ủng hộ?

Tài năng và yếu điểm đã được kiểm chứng qua những giai đoạn khó khăn là của bạn, và phát triển từ bạn. Acuff đề nghị hãy hỏi những người bạn tin tưởng nhất liệu bạn có hợp với công việc định làm không. Nói chuyện nhiều với gia đình và bạn thân sẽ giúp bạn nhận ra liệu mình có đang theo đuổi những gì mình muốn hay đơn giản bạn chỉ đang chạy trốn khỏi hiện tại. Đừng nói chuyện với những kẻ mơ mộng sẽ nói với bạn rằng hãy cứ làm đi. Hãy nói chuyện với những người sẽ thành thật với bạn, luôn cổ vũ bạn nếu thực sự bạn đang đi đúng đường.

5. Bạn sẵn sàng bao nhiêu để thay đổi cách sống?

Một số người rất giỏi trong việc theo kế hoạch. Dậy sớm, đi làm vài tiếng, hoàn thành công việc, trao đổi với đồng nghiệp thực sự tốt cho họ. Nhưng khởi nghiệp lại có thể là bất cứ thứ gì, chứ không đơn thuần theo kế hoạch. Nó có nghĩa giờ làm việc dài và vất vả hơn, thời gian làm việc một mình nhiều hơn. Nó cũng có nghĩa sẽ phải luôn tự cổ vũ chính mình, phải sắp xếp, đổi mới, sáng tạo và chủ động. Bản chất của nó không phải ai cũng hợp – Shane chia sẻ.

6. Bạn có thực sự kỷ luật để là sếp chính mình?

Nhiều người nghĩ họ có thể trở thành sếp của chính mình, điều đó khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn. Thỉnh thoảng điều đó đúng, nhưng không phải luôn luôn. Không phải ai cũng là sếp của chính mình được. Mặc dù các doanh nhân có đủ dạng và đủ loại, nhưng họ thường cùng chia sẻ 1 mẫu hình chân dung của một người lãnh đạo giỏi, khao khát mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Nhiều người nghĩ doanh nhân là những người mạo hiểm, nhưng thực ra không nhất thiết phải vậy. Những doanh nhân thành công thẩm định, tính toán trước khi bát đầu kinh doanh và luôn cố làm giảm nhất có thể những mối nguy hiểm trong kế hoạch mới.

7. Tôi có thể thử bơi vào đại dương mà không phải bỏ việc?

Acuff khuyến khích mọi người nên kiểm tra nghề mơ ước của mình trước khi rời bỏ vị trí vững chắc để theo đuổi điều gì đó toàn thời gian. Bạn có thể thấy bạn không thích công việc mới như bạn tưởng tượng. Trước khi bỏ kế toán để mở quán cafe, có lẽ sẽ tốt nếu bạn thử làm ở Starbucks bán thời gian trong 6 tháng, để xem bạn có ghét cafe và con người hay không. Hãy luyện tập giấc mơ.

8. Vẫn còn những kỹ năng cần phát triển?

Trước khi bước ra ngoài, hãy bảo đảm bạn có đủ những kỹ năng liên quan, các tiêu chuẩn và những giá trị vô hình để thực hiện vụ kinh doanh mới. Điều đó rất quan trọng trong việc cập nhật những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực của mình và có khả năng sử dụng truyền thông xã hội như 1 lợi thế.

9. Bạn có chắc ý tưởng kinh doanh của bạn tốt?

Chắc chắn lên kế hoạch phù hợp với thị trường là điều cần thiết. Hãy luôn nghĩ còn có gì bạn muốn làm nữa không. Shane chia sẻ “Tôi làm việc với nhiều người sáng tạo đã bắt đầu công việc kinh doanh dựa vào phong cách họ, thế giới họ hôm nay. Họ đã tìm thấy cơ hội để giúp đỡ những người mẹ, gia đình, những cá nhân đang chết đói. Hãy bảo đảm rằng ý tưởng của bạn có ảnh hưởng trước khi nhảy 1 bước xa.”

10. Bạn đã có kế hoạch kinh doanh?

Kế hoạch kinh doanh không nhất thiết dài như 1 cuốn tiểu thuyết, nhưng bất cứ ai bắt đầu kinh doanh nên sắp xếp mọi thứ theo kế hoạch, trong đó có kế hoạch bán hàng và marketing tốt. Kế hoạch chắp vá không phải 1 sự lựa chọn cho thị trường cạnh tranh ngày nay. Shane cho rằng “Nó không nhất thiết phải phức tạp, nhưng nó phải đơn giản đủ để tóm gọn trong 1 trang giấy. Nhìn nó phải như 1 tấm bản đồ.”

Và giờ mong bạn đã có những quyết định rõ ràng. Chúc bạn khởi nghiệp thành công!

Thu Hằng
Theo: Entrepreneur/techdaily
Nguồn: pandora

Wednesday, October 9, 2013

Tập trung một cách tốt để chiến thắng người khổng lồ

Tập trung một cách tốt để chiến thắng người khổng lồ

Gần đây do nền kinh tế có sự suy thoái nên có rất nhiều đại gia tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Phải kể đến những công ty rất lớn như Viettel, FPT, Thegioididong, VNG, VCCorp... rồi đến các đại gia nước ngoài như Rocket Internet, rồi sắp tới những đại gia bán lẻ khác cũng sẽ gia nhập vào thị trường thương mại điện tử như Pico, Trần Anh,... rồi Phú Thái... Và có thể các nhà sản xuất cũng mở kênh bán hàng online để có thể bán hàng trực tiếp.

Họ là những đại gia thực sự với kinh nghiệm và nguồn lực tài chính mạnh mẽ, có nguồn hàng giá tốt, nhiều đối thủ có sự chuyên nghiệp cao. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho những người kinh doanh online nhỏ. Vậy làm sao để các doanh nghiệp nhỏ, những người bán hàng tay trái có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ to lớn và chuyên nghiệp như vậy?

Các bạn đừng lo lắng. Nhỏ có những ưu thế của nhỏ như một chia sẻ trước đây của các thành viên diễn đàn LÀM CHA MẸ.

Bài viết này tôi xin chia sẻ một trong những cách giúp chúng ta có được ưu thế giống như các doanh nghiệp lớn.

Trước hết xin phân tích 1 chút về thế mạnh của doanh nghiệp lớn trong việc cạnh tranh với các công ty nhỏ hơn: Những công ty lớn thường có ngân sách rất lớn cho việc marketing và quảng cáo, do vậy thương hiệu và website của họ sẽ được nhiều người biết đến. Bạn nghĩ rằng mình có thể bỏ tiền để làm SEO cho trang web của bạn được nhiều người biết đến thì đây là một suy nghĩ vội vàng. Vì nếu cá nhân bạn có thể chi vài chục triệu để làm SEO thì các công ty lớn, họ cũng có thể chi cho SEO thậm chí còn lớn hơn nhiều, họ có thể chi cả chục tỷ đồng cho SEO, cho quảng cáo trên mạng xã hội và thậm chí trên nhiều phương tiện truyền thông khác. Như vậy họ sẽ có thể bán được số lượng hàng hóa lớn hơn. Khi bán được nhiều hàng hơn, họ sẽ có lợi thế để đàm phán với nhà cung cấp để ép được mức giá thấp hơn rất nhiều nên thậm chí họ có thể bán hàng với giá thậm chí thấp hơn cả giá mà bạn mua vào nữa.

Do vậy, nếu muốn cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp lớn đòi hỏi bạn phải bán được nhiều hơn họ thì bạn mới có cơ hội được chiết khấu cao từ nhà cung cấp. Vậy làm thế nào để có thể bán được nhiều hàng hơn cả những công ty khổng lồ với đội ngũ nhân viên đông đảo và kinh phí tiếp thị to lớn?

Không quá khó đâu. Chỉ cần bạn tập trung và nỗ lực trong sự tập trung cao độ.

Các công ty lớn, tuy bán được nhiều hàng nhưng họ khá dàn trải trên nhiều mặt hàng và chủng loại sản phẩm nên về số lượng của từng loại mặt hàng có thể không phải một con số quá lớn mà bạn không thể vượt qua.

Mình từng trao đổi với một vài thành viên trên diễn đàn LÀM CHA MẸ, họ rất thành công. Doanh số của họ khá ấn tượng và họ đạt được số lượng hàng bán ra cho một số ít mặt hàng rất cao, không thua kém gì các công ty lớn. Bởi vậy họ cũng mua được hàng với mức giá rất tốt để có được giá bán thấp hơn cho khách hàng mà vẫn có lợi nhuận tốt.

Bạn đừng vì lợi nhuận mà bán hàng giả, hàng kém chất lượng vì khách hàng bây giờ rất khôn ngoan và họ có nhiều thông tin để so sánh nên những ý định lừa dối sẽ không đem lại thành công bền vững.

Nhưng sự tập trung cao độ để đạt được sự chuyên nghiệp cao, được danh tiếng trong lĩnh vực hẹp và quan trọng để có thể bán được một số lượng hàng đủ lớn đủ mạnh để nhà cung cấp phải bán cho bạn với giá tốt nhất. Khi đó bạn không phải lo lắng khi cạnh tranh với các công ty lớn.

Hãy tập trung và tìm cách liên tục cải tiến, vì các công ty lớn khi cạnh tranh quá gay gắt họ cũng sẽ phải loại bỏ những thứ không phù hợp và tập trung hơn và khi bạn tập trung chuyên môn hóa lúc này, thì đây là cơ hội tốt để công việc kinh doanh của bạn tăng trưởng và trở nên lớn mạnh.

Để tìm hiểu thêm các giải pháp tập trung hãy tham khảo và chia sẻ ở mục Kinh nghiệm kinh doanh trên diễn đàn LÀM CHA MẸ hoặc đọc các cuốn sách "Người khổng lồ bé nhỏ", "Những kẻ dẫn đầu" do Alphabook phát hành.

Chúc các bạn thành công, 

7 xu hướng tiếp thị trực tuyến thống trị năm 2014

7 xu hướng tiếp thị trực tuyến thống trị năm 2014

Giữa kỷ nguyên công nghệ thông tin hiện tại, internet ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, thay đổi gần như toàn diện cách thức chia sẻ và trao đổi thông tin. Chính vì thế, online marketing dần trở thành kênh tiếp thị quan trọng của mọi doanh nghiệp dù là tiếp thị B2B (Doanh nghiệp đối với doanh nghiệp) hay B2C (Doanh nghiệp đối với khách hàng). Theo Forbes, để đáp ứng nhu cầu phát triển, doanh nghiệp cần nắm bắt rõ 7 xu hướng online marketing sau:



1. Nội dung lớn hơn bao giờ hết

Bằng cách sử dụng nhiều kênh truyền tải nội dung: mạng xã hội, bài viết trên website doanh nghiệp, thư điện tử thông tin (eNewsletter), video…, doanh nghiệp có thể phối hợp để xây dựng hình ảnh thương hiệu. Các nội dung này gần như không còn bị giới hạn về thời gian, cách thức truyền tải. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể truyền đi một lượng thông tin khổng lồ mà hiệu quả sẽ lấn át các cách thức tiếp thị truyền thống như truyền hình và phát thanh.

2. Truyền thông xã hội cần đa dạng hơn

Cách đây vài năm, các doanh nghiệp không có nhiều kênh mạng xã hội để sử dụng làm công cụ truyền thông. Chúng chỉ giới hạn với Facebook, LinkedIn, Twitter. Tuy nhiên, giờ đây nhiều mạng xã hội dần trở nên phổ biến hơn và khẳng định vị thế, điển hình như: Pinterest, Google+, Tumblr và Instagram. Mỗi mạng xã hội có một thế mạnh về cách truyền tải thông tin. Vì thế, các chương trình tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp cần sử dụng nhiều mạng xã hội hơn, khai thác đúng thế mạnh của từng phương tiện.

3. Hình ảnh là trung tâm

Để người dùng nhanh chóng “tiêu hóa” các nội dung tiếp thị, doanh nghiệp cần tập trung sử dụng hình ảnh chứ đừng chú trọng vào các bài viết dài. Hình ảnh cần trực quan, sinh động để dễ dàng gây chú ý. Đặc biệt là các hình ảnh đồ họa chứa thông tin có tính tương tác cao. Nếu làm tốt, chỉ cần một ảnh đồ họa thông tin cũng đủ thay thế nội dung cả bài viết lớn mà người đọc còn dễ nhớ, dễ chia sẻ.

4. Thông điệp đơn giản

Một xu hướng đáng chú ý khác là đừng nên đưa các thông điệp tiếp thị phức tạp, sâu sắc mà hãy đơn giản hóa chúng. Theo Forbes, ngay cả các thương hiệu danh tiếng như Apple, Google cũng đưa ra thông điệp tiếp thị hết sức đơn giản. Vì thế, đừng khiến đối tượng mục tiêu phải “vò đầu bứt tai” suy nghĩ một thông điệp tiếp thị.

5. Nội dung thân thiện trên điện thoại di động

Theo Forbes, vào năm 2017, 87% doanh số thiết bị kết nối sẽ là điện thoại di động và máy tính bảng”. Nói như thế để hiểu rằng điện thoại di động đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống mọi người. Vì thế, doanh nghiệp cần tạo điều kiện tối đa để khách hàng có thể tiếp cận trên thiết bị cá nhân này. Giải pháp là phải đưa ra các phiên bản website thích hợp với điện thoại di động, chứa các nội dung đơn giản, dễ nhận biết.

6. Quảng cáo theo dấu mục tiêu

Đây là xu hướng đang nổi lên gần đây. Bằng cách dựa vào cookie của trình duyệt người dùng, cần đảm bảo rằng các khách hàng sẽ lại nhìn thấy quảng cáo về những sản phẩm mà họ đã xem, đã tìm hiểu. Điều này đảm bảo thương hiệu của doanh nghiệp sẽ luôn chiếm ưu thế trong tâm trí khách hàng khi nghĩ về một nhóm sản phẩm nào đó. Trước mắt, họ có thể chưa mua nhưng về lâu dài lại rất hữu ích.

7. SEO và mạng xã hội ngày càng gắn bó

Đối với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) trực tuyến, mạng xã hội ngày càng đóng vai trò cao hơn. Trước kia, kết quả tìm kiếm thường chỉ tập trung vào những website truyền thống thì nay đã có sự thay đổi đáng kể. Những kết quả tìm kiếm xuất phát từ mạng xã hội đang hiện diện ở khu vực “bề trên”. Thực tế này bắt nguồn từ việc ngày càng có nhiều người chia sẻ các nội dung gồm hình ảnh, video chất lượng cao nên dễ thu hút.

Theo Hoàng Đình
Nguồn: Tuổi trẻ 

Sunday, September 29, 2013

Tìm hiểu tâm lý các nhóm khách hàng

Tìm hiểu tâm lý các nhóm khách hàng

Có nhiều bạn thử kinh doanh online và cảm thấy mình không thành công dù đã cố gắng rất nhiều, kể cả đi học SEO, học quảng cáo trên mạng xã hội.

Thực ra việc học SEO, hay quảng cáo trên mạng xã hội nó chỉ là các phương tiện. Nếu có định hướng đúng đắn các cái đó sẽ giúp bạn đến đích nhanh hơn, còn định hướng sai nó giúp bạn đi xa đích cũng nhanh hơn. Khi có định hướng tốt, thì dù không có phương tiện tốt chúng ta vẫn có thể thành công (đến đích).

Chính vì thế mà việc xác định mình là ai, khách hàng của mình là ai rất quan trọng. Bài viết này sẽ phần nào giúp các bạn có được hình dung rõ hơn về khách hàng của mình.

Như chúng ta đã biết rằng, con người chúng ta không giống nhau, mỗi người có những đặc điểm và quan tâm riêng. Tuy nhiên bài viết này chỉ tập trung đến các nhóm người và các hành vi mua hàng của họ. Có thể nhiều bạn có những cách phân loại khác nhau, nhưng mục đích của mình chỉ muốn các bạn để ý và phân tích và lựa chọn khách hàng của mình sao cho phù hợp để từ đó các nỗ lực tiếp cận khách hàng được hiệu quả và tiết giảm chi phí nhất.

1. Nhóm khách hàng cao cấp

Nhóm cao cấp là những khách hàng có nhiều tiền, họ sẵn sàng mua những món hàng có giá trị cao và đắt tiền, họ có quyết định mua hàng thường là nhanh chóng. Nếu bạn làm họ hài lòng thì thường họ có độ trung thành rất cao. Tuy nhiên, họ là những khách hàng khó tính. Họ tỏ ra khó chấp nhận có những sai sót trong sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là những thứ mà làm họ phải mất thời gian.

Đối với nhóm khách hàng này, thời gian đối với họ là quan trọng. Họ muốn sản phẩm họ mua có độ ổn định cao, bền, ít lỗi, và đẹp. Đối với họ, bạn có thể tính thêm phí dịch vụ, phí giao hàng đối với họ không thành vấn đề, miễn sao sản phẩm phải đảm bảo như họ mong đợi.

Nếu bạn chọn nhóm khách hàng này để phục vụ, bạn nên làm sao giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian nhất. Có thể bằng những cách sau (bạn cũng có thể cùng bổ sung thêm):

  • Lựa chọn hàng thật cẩn thận, tránh những sản phẩm lỗi.
  • Nếu chẳng may bị lỗi bạn cần nhanh chóng thay thế sản phẩm khác hoặc sửa chữa tại nhà họ một cách nhanh chóng nhất có thể. Họ không muốn mất công mang sản phẩm đến chỗ bạn để được bảo hành.
  • Khi giới thiệu hàng hóa không nên dài dòng mà nên tập trung nhiều về lợi ích, đặc biệt đến sự ổn định, tiết kiệm thời gian... Nếu họ hài lòng về một thương hiệu nào đó thì nên tập trung giới thiệu cho họ những sản phẩm khác cùng thương hiệu.
  • Nếu bạn không có cửa hàng ở nhiều nơi, bạn nên có chỉ đường một cách rõ ràng, nên để thông tin liên hệ một cách rõ ràng. Nếu thuận tiện bạn nên mang hàng đến chỗ họ để họ xem. Bạn đừng lo mất thời gian, vì với nhóm khách hàng này khi tin tưởng họ thường sẽ là khách hàng rất trung thành (tất nhiên trừ khi bạn làm họ thất vọng)
  • Một điều quan trọng đó là giữ sự nhất quán. Đã hứa thì cố gắng thực hiện, còn nếu khó thì nên từ chối ngay từ đầu. Trong trường hợp khó bạn có thể tính thêm phí.
Một số điều bạn nên tránh khi tiếp cận nhóm khách hàng này:
  • Những thông tin rác làm mất thời gian. Những thông tin kiểu như dạng up bài làm họ đánh giá thấp thông tin của bạn.
  • Những thông tin không đáng tin cậy. Những khách hàng loại này thường là những người thành đạt trong cuộc sống nên họ khá hiểu đời, bạn không nên tìm cách đánh lừa họ. Nếu bạn là người mới bạn cần tìm các cách khác nhau để gây dựng sự tin cậy của mình, còn việc tạo ra các nick ảo tự tung hứng thì họ thường dễ dàng nhận ra điều đó.
  • Tránh xa những tranh cãi và những điều có thể làm họ đánh giá thấp về tính tin cậy của bạn. Nếu chẳng may có dính vào tranh chấp, hãy giải quyết một cách minh bạch và đơn giản nhất. Không nên tìm cách che dấu mà hãy làm minh bạch, qua đó người ta sẽ đánh giá cao về bạn cũng như sẽ tin tưởng khi mua sản phẩm về bạn.
  • Không nên cố giới thiệu với họ những món hàng rẻ tiền chất lượng thấp. Nó sẽ làm phá hỏng hình ảnh của bạn.
  • Không tìm cách nài ép người ta mua hàng thay vào đó hãy tìm cách giải quyết vấn đề giúp họ.
  • Khi chọn phục vụ nhóm khách hàng này, bạn nên hy sinh không phục vụ nhóm khác. Ví dụ bạn bán hàng iPhone mới chính hãng mới, bạn lại cung cấp dịch vụ sửa chữa, unlock thì khách hàng có thể nghi ngờ rằng hàng bạn bán cho họ có thể gồm cả đồ cũ hoặc đã qua sửa chữa. Nếu bạn bán túi xách hàng hiệu, lại bán cả hàng fake thì chắc chắn bạn "tự bóp cổ mình".
Bạn có thể tìm họ ở đâu?
  • Khách hàng loại này là những người ít thời gian, tuy nhiên họ lại rất cẩn thận và ưa tìm hiểu kỹ trước. Họ thường tìm đến những nơi đáng tin. Trên diễn đàn LÀM CHA MẸ, họ hay tìm đến những topic tư vấn. Nên nếu bạn là chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn cung thì bạn sẽ dễ được tin cậy.
  • Họ ít thời gian comment trên topic của bạn nhưng họ sẵn lòng giới thiệu cho nhau, nên hãy giúp cho họ dễ dàng giúp bạn giới thiệu là rất quan trọng.
  • Họ thích trải nghiệm nên họ cũng thường đến những nơi có sẵn sản phẩm. Hội chợ giao lưu LÀM CHA MẸ hoặc các buổi offline chuyên đề cũng là nơi tốt để bạn tìm thấy họ.
2. Nhóm khách hàng trung lưu

Nhóm khách hàng trung lưu có đôi chút khác biệt với nhóm khách hàng cao cấp. Mặc dù họ cũng rất cần tiết kiệm thời gian, và muốn có các sản phẩm tốt nhưng họ có giới hạn về kinh phí.

Nhóm khách hàng này sẽ có những ưu tiên của họ mà bạn nên nhận ra. Đối với những thứ không ưu tiên, họ có thể chấp nhận mua với chất lượng không cần cao miễn là tiết kiệm. Nhưng với thứ mà họ ưu tiên, họ sẽ giống như khách hàng cao cấp.

Vậy đối với nhóm khách hàng trung lưu, bạn nên tập trung tìm ra những ưu tiên của họ.
  • Có người ưu tiên nhiều cho con thì những sản phẩm với con họ cần phải có chất lượng cao.
  • Người ưu tiên cho công việc thì các sản phẩm phục vụ cho công việc của họ cần chất lượng cao.
  • Những người ưu tiên cho sức khỏe thì những thứ giúp họ giữ gìn sức khỏe sẽ làm cho họ ưu tiên.
  • ...
Trong nhóm khách hàng trung lưu này, có nhiều người có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp.

Nhóm khách hàng trung cấp này thường có số lượng nhiều hơn, nhưng do có những phân loại ưu tiên khác nhau mà khi chọn đúng sự ưu tiên của họ thì cách ứng xử của họ cũng giống như khách hàng cao cấp.

Trong nhóm khách hàng trung lưu, với những thứ họ không quan tâm thì cách ứng xử của họ cũng khá giống với nhóm khách hàng bình dân. Điều đó có nghĩa là với những thứ họ ít quan tâm, họ vẫn cần tiết kiệm tiền và họ vẫn có thể sắp xếp được thời gian để đến nơi có giảm giá hấp dẫn.

3. Nhóm khách hàng bình dân

Nhóm khách hàng bình dân là những người không có nhiều tiền. Một ít trong số họ có thể sẽ trở thành nhóm trung lưu và nhóm cao cấp về sau, nhưng với tỷ lệ không nhiều.

Với nhóm khách hàng này, đối với họ quan trọng là chi phí bỏ ra thấp. Họ có nhiều thời gian và sẵn sàng bỏ thời gian để tiết kiệm tiền. Với nhóm khách hàng loại này, các chương trình khuyến mãi, giảm giá với họ rất có giá trị. Họ sẽ dễ dàng tham gia các chương trình như giảm giá tia chớp, khuyến mãi giờ vàng...

Tuy nhiên, nhóm khách hàng này có một đặc điểm quan trọng là ít trung thành. Họ thường tìm đến những nơi có giảm giá thấp nên nếu có người khác bán giá thấp hơn họ sẽ lại tìm đến.

Chính vì những đặc điểm như vậy mà việc tiếp cận nhóm khách hàng bình dân lại rất tốn kém và khó ổn định. Bạn luôn phải đòi hỏi phải giữ chi phí cuả mình được thấp nhất. Nhưng việc giữ chi phí thấp là không hề dễ dàng. Bạn phải có nguồn hàng giá thấp, chi phí quản lý thấp, chi phí bán hàng thấp... Ngày nay với tình trạng đua nhau SEO, spam tràn lan thì chi phí để bạn thu hút khách hàng loại này ngày càng tăng cao.

Tóm lại

Để đạt được sự hiệu quả cao trong kinh doanh thì khi chọn khách hàng bạn nên tìm ra những đặc điểm của họ, sau đó chọn cho mình nhóm phù hợp nhất, phù hợp với thế mạnh và khả năng của bạn.

Bạn không nhất thiết phải chọn nhóm khách hàng cao cấp hay trung lưu mà bạn vẫn có thể chọn nhóm bình dân. Tuy nhiên, khi chọn nhóm nào bạn nên xác định khả năng của mình xem nó có phù hợp không. Điều này cũng giống như mình đi mua giầy. Bạn có thể thích đôi giầy đẹp, nhưng chân bạn không vừa thì bạn cũng không thể đi nó thoải mái được. Cũng như vậy, nếu bạn thích nhóm khách hàng này nhưng khả năng và thế mạnh lại khác thì cũng rất lãng phí.

Nếu bạn không xem xét lựa chọn trước, mà đã dành thời gian nhiều để quảng bá ngay, có thể bạn sẽ tốn nhiều chi phí và nếu dự trữ ít thì có thể bạn sẽ thất bại trước khi với tới sự thành công.

Theo mình quan sát qua việc trò chuyện với những người bán hàng, qua các kỳ hội chợ, và giảm giá tia chớp... Mình thấy phần đông khách hàng ở Lamchame.com là nhóm khách hàng trung lưu và cao cấp. Vì mình thấy họ ưu tiên nhiều cho thời gian, sự tin cậy hơn.

Trên đây là những cách phân loại và đánh giá của mình, có thể vẫn còn những thiếu sót và rất mong các bạn cùng tham gia đóng góp để nó được hoàn thiện hơn, qua đấy chúng ta sẽ phục vụ tốt hơn những khách hàng của mình.

Tuesday, September 24, 2013

Bị bắt nạt, bị ném đá trên mạng và cách phòng tránh

Bị bắt nạt, bị ném đá trên mạng và cách phòng tránh

Gần đây nhiều vụ giả vờ đánh ghen, giả vờ đòi nợ để cướp tiền, cướp xe đã xảy ra ở ngoài cuộc sống, và nó cũng đang len lỏi lên mạng làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường online.

Một trong những tệ nạn gây nhức nhối nhất đó là nạn "bắt nạt trên mạng". Bắt nạt trên mạng có thể thể hiện bằng những cách như: Cô lập một cá nhân, kích động để cộng đồng ném đá một cá nhân trên mạng. Vì sự phát triển của mạng xã hội liên quan đến sự phát triển kinh doanh trên mạng nên sự "bắt nạt trên mạng" cũng gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ về vấn đề tâm lý mà còn cả đến thiệt hại về kinh tế nữa.



Nếu bạn đang kinh doanh online thành công, việc bị "bắt nạt trên mạng" có thể làm công việc kinh doanh online của bạn bị đình trệ hoặc đó là một cách để cạnh tranh không lành mạnh. Hãy tỉnh táo với điều đó và chuẩn bị trước.

Kẻ "bắt nạt trên mạng" có một số thủ đoạn như sau:

Cô lập

Một trong những điển hình của "bắt nạt trên mạng" là gán cho một người cái nhãn làm mọi người khác cảm thấy sợ hãi khi quan hệ như "phản động", "có hoạt động chính trị", "đang bị công an theo dõi"... Việc bị bắt nạt kiểu này thường làm cho người bị bắt nạt lo lắng, buồn vì bị cô lập. Nếu bạn bán hàng trên mạng có thể khiến khách hàng xa rời bạn để tìm đến với đối thủ và đương nhiên đối thủ của bạn được lợi.

Ném đá tập thể

Là việc nhiều người cùng vào lăng mạ và kích động mọi người công kích một người vì một vài khuyết điểm nào đó hoặc có thể một lý do do người ta gán cho. Việc bị ném đá tập thể có thể khiến cho người bị "bắt nạt" cảm thấy đau khổ.

Để phòng chống bị bắt nạt trên mạng

1. Kết bạn với người mình biết: Thông thường khi lên mạng chúng ta thường nghĩ rằng càng có nhiều friend càng tốt, nhưng thực tình thì chỉ những người bạn thật mới quan tâm đến bạn và thông tin của bạn. Dù bạn có nhiều friends trên Facebook nhưng nếu không có những người bạn thật thì khi bạn bị bắt nạt cũng không có ai hoặc có rất ít người chia sẻ với bạn. Tuy nhiên, bạn nên duy trì một số bạn mới nhất định ngoài số người mình biết nhưng hãy chọn những người có cùng quan tâm.

2. Sử dụng thông tin thật: Bạn không thể tạo dựng được lòng tin nếu dùng thông tin ảo, hình ảnh ảo, quan hệ ảo. Những thông tin thật, con người thật và bạn bè thật của bạn sẽ giúp bạn chứng minh cho cộng đồng bạn không như người ta tố cáo. Tuy nhiên bạn không nên cung cấp mọi thông tin về gia đình, con cái, lên mạng vì ngoài trường hợp "bắt nạt" thì còn những trường hợp "lợi dụng thông tin" để lừa đảo, bắt cóc, tống tiền (cái này sẽ đề cập trong một bài viết khác).

3. Không a-dua: Nếu bạn tham gia bắt nạt người khác một cách oan uổng, kẻ đi bắt nạt có thể quay lại bắt nạt bạn. Vậy hãy là người hiểu biết, hãy tra cứu và tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định bênh vực cho một ai đó, nhưng đừng a-dua tiếp tay cho việc ném đá người vô tội.

4. Làm điều đúng, bảo vệ lẽ phải, bênh vực người vô tội: Bạn không thể làm việc sai trái để được cộng đồng bảo vệ. Và bạn đừng kỳ vọng người khác sẽ bảo vệ bạn nếu như bạn không dám bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật và bỏ mặc bạn bè khi gặp hoạn nạn. Nếu bạn thấy người bạn mình tốt mà bị vu khống, ném đá... thì bảo vệ lẽ phải, bảo vệ bạn bè, bênh vực người vô tội cũng là trách nhiệm của bạn.

5. Tin tưởng bạn bè thay vì người lạ: Nếu bạn biết bạn mình là người tốt mà bị người lạ tung tin, dán nhãn, ném đá thì thay vì lo lắng xa lánh bạn mình theo lời của người lạ thì bạn nên tìm hiểu và đặt lòng tin vào những người bạn tốt của mình. Khi bạn biết bạn của mình trong khi người ném đá có khi chỉ vì a-dua theo người dụng ý xấu thì hãy lên tiếng bênh vực cho bạn thay vì mặc kệ để nhiều người lạ ném đá.

6. Tham gia nhiều nhóm, hoạt động cộng đồng thật: Bạn bị "bắt nạt" như "cô lập", "ném đá tập thể" là vì bạn không có đủ các quan hệ vững chắc và tin cậy. Một khi xây dựng được các mối quan hệ vững chắc và tin cậy bạn sẽ không lo bị những kiểu "bắt nạt" hay "khủng bố trên mạng" vì những bạn bè và người thân của bạn hiểu bạn và bảo vệ bạn.

Khi bị bắt nạt

Khi bạn bị bắt nạt trên mạng, hãy bình tĩnh và đừng lo lắng. Có thể kẻ muốn bắt nạt bạn để thỏa mãn tính ích kỷ, cũng có thể kẻ bắt nạt bạn vì mục đích kinh tế. Đừng để sự bắt nạt đó làm mạnh thêm cho kẻ xấu. Khi bạn bị bắt nạt có thể làm các việc sau đây:

1. Block kẻ bắt nạt ngay lập tức: Hãy lập tức block kẻ bắt nạt ngay lập tức và không cần đôi co với họ, hủy quan hệ, đồng thời Report với trang mạng (Facebook, Twitter...) để các nhà điều hành mạng xã hội giúp bạn ngăn chặn đồng thời bảo vệ cộng đồng.

2. Không lẩn trốn: Nếu bạn bị bắt nạt, bị ném đá bạn cứ bình tĩnh tham gia chia sẻ với cộng đồng một cách bình thường nhưng tránh kích động, vì đôi khi có nhiều người a-dua không tìm hiểu ném đá theo phong trào nếu bị kích động sẽ trở nên hung dữ tấn công bạn. Nhưng hãy cứ chia sẻ bình thường với bạn bè thật của bạn và phớt lờ những thông tin không đúng. Nếu có bằng chứng thì hãy bày tỏ trên tường cá nhân của mình để bạn bè được chứ không tham gia trong việc đôi co với người ném đá.

3. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè: Trong trường hợp bạn bị ném đá tập thể, hãy kêu gọi bạn bè giúp đỡ và minh oan cho bạn, hãy cung cấp những bằng chứng cho sự trong sạch của bạn và minh chứng sự dối trá của kẻ bắt nạt.

Điều quan trọng mà bạn nên nhớ rằng, người ta chỉ bắt nạt được người cô đơn và yếu đuối chứ không thể bắt nạt cả cộng đồng mạnh mẽ và đoàn kết. Vậy hãy luôn minh bạch, làm điều đúng đắn, kết nối và tích cực bảo vệ lẽ phải. Hãy biết để bảo vệ mình chứ không nên bắt nạt người khác vì cộng đồng luôn thông minh, nếu có bị lạc lối một thời gian họ cũng sẽ hiểu ra, nên nếu bạn đi bắt nạt người khác bạn sẽ rước hậu quả khôn lường cho bản thân.

Giải pháp cho việc thiếu kinh nghiệm thực tế

Giải pháp cho việc thiếu kinh nghiệm thực tế

Giữa những năm 80, Peter Cooperstein chuyển tới sinh sống tại Bắc California. Ông khá thất vọng vì nơi đây không hề có món pizza đế mỏng hảo hạng mà ông từng ăn như khi còn nhỏ ở miền đông Hoa Kỳ, đến nỗi ông bỏ luôn pizza - món ăn yêu thích của mình.

Nhưng sau đấy, Cooperstein bèn nảy ra ý tưởng xây dựng một nhà hàng pizza hảo hạng đậm chất miền đông, cho rằng ít nhất mình sẽ bán được cho những người "ghiền" pizza đế mỏng di cư từ miền đông sang.

Thách thức: Không có kinh nghiệm, khả thi hay không?

Thừa hưởng những kiến thức kinh doanh từ cha - ông chủ một chuỗi nhà hàng take-away nhỏ tại Boston, đồng thời sở hữu hai tấm bằng cử nhân kinh tế và MBA từ Trường Quản lý Sloan thuộc Viện công nghệ Massachusetts, Cooperstein thấy việc cần làm là phải phân tích tiềm năng của nhà hàng trước đã.

Thế nhưng, ông lại thiếu những kinh nghiệm bài bản trong kinh doanh nhà hàng. Vậy phải xem xét liệu một nhà hàng pizza mang chất miền đông có hợp gu với dân miền bắc California hay không. Và nếu quyết định tiến hành, phải làm sao để đưa lý thuyết vào thực tiễn?

Chiến lược: Đánh giá chi tiết, đích thân trải nghiệm

Để đánh giá cơ hội kinh doanh, Cooperstein đã cân nhắc những vấn đề lớn: Liệu cái nhu cầu chưa được đáp ứng kia có đủ mạnh? Thị trường có đủ lớn? Có thể định vị nhà hàng một cách khác biệt trong lâu dài? Mô hình kinh doanh này có mở rộng được không? Mình có gì đặc biệt không? Và tại sao lại là lúc này, hay nói cách khác, thời cơ bắt đầu là khi nào?

· Nhu cầu chưa được đáp ứng: Ý tưởng về nhà hàng Amici đã vượt qua được bài thử thách này vì bánh pizza đế mỏng vốn rất hiếm ở miền tây. Vùng này xưa nay cũng thiếu các nhà hàng pizza hạng sang.

· Kích thước thị trường: Cooperstein không chắc thị trường lớn đến đâu. Nhưng thấy chuỗi cửa hàng California Pizza Kitchen đã thành công trước đó vài năm nên ông nghĩ thị trường hẳn sẽ không hề nhỏ.

· Định vị và quy mô: Cooperstein cho rằng nhờ chất lượng và dịch vụ, Amici có thể trở nên đặc biệt. Mô hình kinh doanh có thể mở rộng được, miễn là doanh nghiệp phát triển chậm và chắc, đảm bảo chất lượng để từ đó tạo nên sự khác biệt.

· Nhân lực: Vì thiếu kinh nghiệm nên Cooperstein đã dành 18 tháng để nghiên cứu. Vị doanh nhân ghiền pizza này từng làm việc tại khoảng 20 nhà hàng rải khắp vùng vịnh San Francisco, từ rửa chén, hầu bàn phụ, nhân viên chuẩn bị bánh, đầu bếp làm bánh cho tới giao pizza. Ông phát hiện ra bí quyết làm nên những chiếc pizza khoái khẩu của mình chính là loại lò gạch Ý truyền thống nướng ở nhiệt độ 370 độ C sẽ cho ra đời những chiếc đế bánh vừa giòn, vừa xốp lại có độ dai hoàn hảo.

Cooperstein luôn kiếm tìm một nhà quản lý tài ba vì phần lớn những người ông gặp đều yếu kém và tầm thường. Ngay khi tìm ra Mike Forter, ông liền thuê ngay nhà quản lý giàu kinh nghiệm đồng quan điểm về chất lượng và dịch vụ này vì cho rằng cơ hội thành công ắt sẽ nhiều lên.

· Thời cơ: Có vẻ đây là thời cơ hoàn hảo để bắt tay vào kinh doanh, nhất là khi California Pizza Kitchen chưa kịp gây ảnh hưởng đáng kể trong thị trường pizza cao cấp.

Kết quả

Cooperstein và Forter trở thành cộng sự và cùng khai trương Amici vào tháng 12 năm 1987. Nhà hàng thành công rực rỡ và rồi phát triển thành một chuỗi cửa hàng quy mô khá lớn với 13 điểm tại vịnh Sanfrancisco cùng một chi nhánh ở Nam California. Đến năm 2011, công ty có hơn 300 nhân viên, đạt doanh thu 32 triệu USD. 25 năm vừa qua, doanh thu trên mỗi nhà hàng luôn tăng vững chắc.

Bài học

Trước khi cho ra đời chuỗi cửa hàng pizza hạng sang, Cooperstein đã biết nhận diện nhu cầu, tạo ra sản phẩm độc đáo, cũng như tìm ra đội ngũ phù hợp. Biết mình thiếu kinh nghiệm thực tế, ông dành hẳn một năm rưỡi làm những việc tầm thường như chạy bàn, giao bánh để học hỏi kinh nghiệm.

Thùy An
Theo Trí Thức Trẻ

Làm thế nào để góp phần xây đắp cộng đồng?

Làm thế nào để góp phần xây đắp cộng đồng Lamchame.com?

Lamchame.com thực sự khác biệt với các cộng đồng khác, không phải vì nó có đông người truy cập hay thông tin hay ho mà là chính nhờ những thành viên của nó. Chính những thành viên nhiệt tình, hiểu biết và giầu tinh thần trách nhiệm đã giúp cho cộng đồng này tuy đông mà vẫn giữ được sự tin cậy và thân thiết giữa các thành viên.

Có rất nhiều thành viên rất yêu quý diễn đàn và muốn đóng góp để diễn đàn trở nên lớn mạnh hơn, tin cậy hơn, thân thiết hơn. Và nhiều người đã liên hệ với BQT hỏi xem liệu họ có thể làm gì để giúp cho diễn đàn. Điều này thật sự rất đáng quý.

Để đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người muốn góp sức chung tay giúp BQT để làm cho Lamchame.com trở nên một công đồng thân thiết hơn, tin cậy hơn, chúng tôi xin được hướng dẫn các cách tốt để các bạn đóng góp nhằm làm cho cộng đồng của chúng ta trở nên ý nghĩa hơn và mang lại lợi ích thiết thực hơn về lâu dài cho mọi người:

1. Đóng góp những kinh nghiệm thực tế

Một trong những đóng góp có giá trị cho cộng đồng và đóng góp này để lại giá trị lâu dài cho các thành viên, cho những thành viên mới về sau thậm chí là cho cả con cái chúng ta khi chúng trở thành cha mẹ nữa, đó là cung cấp những kinh nghiệm sống quý báu của bạn. Và khi nhiều người cùng làm thế thì chúng ta đã sưu tầm được một kho kiến thức rất có giá trị. Mỗi khi chúng ta cần đều có thể tìm hiểu kinh nghiệm chia sẻ của mọi người.

Đó có thể là chủ động chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc khi con ốm, kinh nghiệm nuôi con mau lớn, kinh nghiệm ứng xử trong gia đình... đến kinh nghiệm chuẩn bị cho các chuyến đi du lịch...

2. Giúp đỡ người cần

Có rất nhiều người gặp khó khăn mới tìm đến diễn đàn của chúng ta. Bởi vậy sự giúp đỡ đối với họ rất là quan trọng. Có rất nhiều người trong chúng ta cũng gặp khó khăn và sự giúp đỡ của các thành viên khác cũng rất quý báu.

Giúp đỡ không nhất thiết phải bằng vật chất nhưng sự chia sẻ, cảm thông cũng có nhiều giá trị. Và mọi người thường lên mạng để tìm giải pháp khi khó khăn thì sự tỉnh táo của người ngoài cuộc cũng sẽ giúp cho người bối rối gỡ được vấn đề.

Không giống như trong giao tiếp trực tiếp, sự giúp đỡ trên mạng được lưu giữ lại và nó có khi không chỉ giúp cho một người mà còn có thể giúp cho nhiều người có hoàn cảnh tương tự khác nữa.

3. Liên kết mọi người

Kiến thức luôn là đáng quý nhưng việc liên kết với nhau thành các nhóm bạn bè chơi thân với nhau, giúp đỡ nhau, chào đón nhau nếu từ xa đến luôn là điều đáng quý và làm cho chúng ta đi đâu cũng được chào đón như ở nhà, đi đâu cũng có bạn bè thân thiết. Chính sự liên kết với nhau, chúng ta hiểu nhau và có thể giúp đỡ nhau một cách thiết thực hơn.

Chúng ta có thể liên kết với nhau bằng các lập các nhóm có cùng sở thích, cùng tuổi, cùng tuổi con... hay có cùng quê...

Chúng ta có thể liên kết với nhau bằng những buổi gặp mặt, đi ăn cùng nhau, đi du lịch cùng nhau... và mỗi khi có một thành viên từ xa đến chúng ta cùng nhau chào đón họ, gặp mặt nhau như vậy sẽ rất vui và mỗi khi chúng ta đi đến nơi của họ chúng ta cũng sẽ được chào đón như vậy.

4. Đề cao tinh thần lạc quan, yêu thương, đùm bọc

Sự chia sẻ và liên kết của chúng ta sẽ không mang lại những giá trị tốt đẹp nếu như chúng ta không cùng nhau hướng đến sự yêu thương, vui vẻ và giúp đỡ. Đôi khi chúng ta gặp những hoàn cảnh buồn đau, mất mát, hay thất vọng, nhưng khi có sự động viên giúp đỡ của các thành viên khác và hướng đến những giá trị tích cực thì chúng ta có thể quên đi buồn đau.

Trong trò chuyện cũng vậy, khi mọi người cùng vui vẻ và tích cực chúng ta sẽ có thêm bạn bè và chính sự lạc quan, vui vẻ, tích cực sẽ giúp nảy sinh những ý tưởng những giải pháp cho những khó khăn.

Bằng việc giúp những thành viên khác hướng đến sự vui vẻ, tích cực mà không chỉ trích là chúng ta góp phần làm cho cộng đồng của chúng ta thêm yêu thương và là nơi mọi người muốn tìm đến mỗi ngày.

5. Mời thêm những người lịch sự, hiểu biết tham gia cộng đồng

Khi cộng đồng phát triển, chúng ta có thêm nhiều người mới. Nếu có thêm những thành viên không tốt thì điều đó có thể làm cho mọi người bị chia rẽ. Nhưng khi có thêm nhiều thành viên tốt, những thành viên hiểu biết sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ thì điều đó sẽ mang lại cho mỗi người trong cộng đồng thêm nhiều giá trị.

Và khi mạng lưới bạn bè của chúng ta có nhiều người lịch sự, hiểu biết chúng ta sẽ không phải lo lắng đối phó với những lừa lọc, hay nghi kỵ lẫn nhau mà ngược lại chúng ta có được niềm vui trong sự sẻ chia và giúp đỡ.

6. Hướng dẫn người mới để họ tôn trọng người khác và quy định

Khi cộng đồng phát triển, chúng ta có nhiều người tốt. Nhưng cũng có thể một số người chưa được tốt. Lại có thể có những người mới và họ không biết về quy định của diễn đàn. Nhưng nếu mỗi người đều có tinh thần giúp đỡ và hướng dẫn họ để họ tôn trọng người khác, tôn trọng quy định chung,... thì những người chưa tốt sẽ trở thành người tốt, những người mới sẽ hiểu và đóng góp nhiều cho cộng đồng. Điều này sẽ là niềm vui lớn cho mọi người.

7. Nhắc nhở nhau để đừng vi phạm quy định, đừng gian dối

BQT diễn đàn là một nhóm nhỏ, họ không thể làm tất cả mọi việc nếu như không có sự giúp đỡ của các thành viên. Và sự giúp đỡ có giá trị nhất chính là giúp nhau hiểu quy định, giúp nhau trở nên bạn tốt của nhau. Khi đó BQT không phải như những chú công an đi rình rập và xử phạt nữa mà thay vào đó họ sẽ có thời gian để hỗ trợ, giúp đỡ... và tổ chức các hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng.

8. Thông báo cho BQT về vi phạm để kịp thời xử lý

Chúng ta có thể đã cố gắng giúp đỡ, hướng dẫn để mọi người cư xử với nhau tốt hơn. Nhưng cũng có người phớt lờ quy định và cố tình vì lợi ích nhỏ của mình mà giẫm đạp lên quyền lợi của người khác. Trong những trường hợp như vậy thì việc báo cho BQT để BQT xóa bỏ và khóa tài khoản của những người đó là cách làm tốt nhất để góp phần gìn giữ môi trường trong lành cho những người tốt.

Có nhiều cách để thông báo cho BQT. Đó có thể là gửi bài trong mục Góp ý cho BQT, hoặc gọi điện hoặc nhắn tin cho thành viên BQT mà bạn biết hay sử dụng nút Thông báo vi phạm cuối mỗi bài viết.


Trên đây là những chia sẻ dựa trên hiểu biết chưa đầy đủ của tôi và rất mong các bạn, những thành viên yêu quý của diễn đàn LÀM CHA MẸ chúng ta hãy cùng chia sẻ thêm để những người bạn mới, những người tích cực biết thêm cách để chúng ta cùng nhau vun đắp cộng đồng LÀM CHA MẸ trở nên tin cậy hơn, thân thiết hơn và mang lại nhiều ý nghĩa cho mọi người.

Tôi tin tưởng rằng cộng đồng LÀM CHA MẸ của chúng ta sẽ ngày một lớn mạnh. Nhưng sự lớn mạnh đó không quan trọng bằng tình cảm và sự chân thật của mỗi thành viên chúng ta dành cho nhau. Chính sự tích cực và chủ động giúp đỡ nhau và mong muốn góp phần xây dựng cộng đồng của các bạn sẽ là động lực để chúng ta góp phần tạo ra một môi trường mà mọi người thân thiện với nhau, tin cậy nhau, và đây chính là cách để "cho con cả một tương lai", một tương lai thực sự tốt đẹp.

'Truyền khẩu' vẫn được tin cậy nhất ở Đông Nam Á

'Truyền khẩu' vẫn được tin cậy nhất ở Đông Nam Á

Theo kết quả thống kê toàn cầu được Công ty Nielsen công bố ngày 17/9, những lời giới thiệu từ người thân và bạn bè tiếp tục là phương thức quảng cáo ảnh hưởng nhất đối với người tiêu dùng ở Đông Nam Á.


Những lời giới thiệu từ người thân và bạn bè tiếp tục là phương thức quảng cáo ảnh hưởng nhất đối với người tiêu dùng ở Đông Nam Á

Ngoài ra, lòng tin của người tiêu dùng trong khu vực đối với các hình thức quảng cáo truyền thống vẫn rất lớn, dù mức độ tin cậy đối với quảng cáo trực tuyến được cải thiện trong những năm gần đây.

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn kết quả thống kê trên cho biết, tại Đông Nam Á, người tiêu dùng vẫn tin tưởng nhất vào những giới thiệu của người thân.

Trong đó người Philippines đứng đầu với tỷ lệ 89%, cao hơn 5% so với tỷ lệ trung bình thế giới (84%), tiếp đến là Malaysia (86%), Singapore (85%), và Indonesia (85%).

Con số này ở Thái Lan giảm 2% xuống còn 79% và Việt Nam tăng 2% lên 81%. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ hai quốc gia này có tỷ lệ dưới mức trung bình của thế giới.

Quảng cáo trên truyền hình, tạp chí và báo cũng tiếp tục nằm trong số những hình thức quảng cáo trả tiền được tin tưởng nhất tại Đông Nam Á.

Phần lớn người tiêu dùng ở Philippines (78%), Indonesia (74%), Thái Lan (72%), Malaysia (70%) và Singapore (65%) cho biết họ tin tưởng quảng cáo truyền hình, cao hơn tỷ lệ trung bình thế giới là 62%.

Tính trung bình cả khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với hình thức quảng cáo trên tạp chí và báo vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới (lần lượt là 61% và 60%).

Theo ông David Webb - Giám đốc quản lý giải pháp quảng cáo Nielsen, bất chấp sự nổi lên của các nền tảng quảng cáo mới, truyền hình tiếp tục là hình thức lựa chọn chuyển tải thông điệp tiếp thị nhờ khả năng vươn tới đám đông. Nghiên cứu này đã góp phần khẳng định quảng cáo trên truyền hình vẫn có ảnh hưởng mạnh đối với người tiêu dùng Đông Nam Á.

Cũng theo nghiên cứu trên, trong 6 năm qua, quảng cáo trực tuyến ngày càng tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng khu vực châu Á.

Khoảng 68% người tiêu dùng Indonesia tin tưởng thông điệp quảng cáo được phép qua thư điện tử (cao hơn 11 % so với tỷ lệ trung bình toàn cầu), tiếp đó là Philippines (66%), Singapore (62%) và Malaysia (61%).

Các quảng cáo trên trang web cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực ở Đông Nam Á với tỷ lệ cao hơn mức trung bình toàn cầu. Theo ông Webb, dự đoán chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến đang tăng trưởng nhanh chóng và có thể đạt gần 34 tỷ USD ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2015.

Theo TTXVN 

Nielsen: Người tiêu dùng Việt tin nhất quảng cáo từ người quen

Nielsen: Người tiêu dùng Việt tin nhất quảng cáo từ người quen

Trong các hình thức quảng cáo, 81% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào quảng cáo từ lời khuyên của bạn bè, người thân, một hình thức quảng cáo lan truyền, gọi là earned media, theo nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen,.


Tỷ lệ tin tưởng vào các hình thức quảng cáo của người tiêu dùng Việt Nam. Nguồn: Nielsen

Trong khi đó, quảng cáo tự xây dựng, gọi là owned advertising, là hình thức quảng cáo do tự thương hiệu xây dựng các thông điệp và nội dung trên website, được tin tưởng thứ hai trong năm 2013, với 75% người được phỏng vấn tại Việt Nam cho biết họ tin tưởng hình thức này.

Các số liệu này vừa được Nielsen công bố trong một thông cáo báo chí gửi đến Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 18-9.

Nielsen cho biết rằng số liệu được dẫn ra từ cuộc khảo sát toàn cầu về mức độ tin tưởng vào các hình thức quảng cáo, qua việc phỏng vấn 29.000 người tiêu dùng tại 58 quốc gia về 19 hình thức quảng cáo trả tiền, lan truyền và tự xây dựng.

Kết quả cho thấy 64% số người Việt Nam được phỏng vấn tin tưởng vào ý kiến người dùng đăng trên internet, xếp thứ 3 trong số các hình thức được tin tưởng nhất, tuy vẫn thấp hơn trung bình khu vực với 73%.

Khảo sát của Nielsen cho thấy quảng cáo trên TV, tạp chí và báo giấy tiếp tục là những kênh quảng cáo trả tiền (paid advertising) được tin tưởng nhất với lần 55%, 54% và 52% lựa chọn từ người tiêu dùng.
Trong khi đó, đối với hình thức quảng cáo trực tuyến, 48% số người tiêu dùng Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào các email quảng cáo mà họ đã đăng ký, 44% tin vào quảng cáo từ kết quả tìm kiếm trên mạng và 34% tin vào banner quảng cáo trực tuyến.

Quảng cáo truyền miệng, chẳng hạn như gợi ý của gia đình và bạn bè và các bình luận trực tuyến tác động lớn nhất đến người tiêu dùng với lần lượt 90% và 85% người được hỏi họ sẽ mua hoặc xem hàng sau khi gặp các loại quảng cáo này.

Theo Nielsen, tỷ lệ bị ảnh hưởng do các loại hình quảng cáo trên website của thương hiệu là 85%, TV là 79%, tạp chí là 78%, báo giấy là 78% trong khi quảng cáo bằng tin nhắn điện thoại là hình thức ít được tin tưởng nhất.

Theo Hoàng Phi
TBKTSG Online 

Tuesday, September 10, 2013

Sợi Xích Của Người Thợ Rèn

Chuyện ngụ ngôn trong kinh doanh - Page 4

"Tại sao, Peter! Vẫn đang làm cái sợi xích to đó à? Anh đúng là làm chậm thật. Không cần làm kỹ quá những miếng xích này đâu. Nhanh lên nào, và làm cái gì khác đi."

Người thợ rèn già cười trước những cái mặt đây sự chê bai trước cửa tiêm rèn và lắc đầu khi ông ta cẩn thận kiểm tra những miếng xích. "Nó có phát ra tiếng kêu không? Nó có hoàn toàn không có vết nứt không?" Đây là câu hỏi của ông ta. Từng miếng xích một cái xích dài ra tới khi nó hoàn thành.


Những người đàn ông đến và mang đi cái xích to đó và cho lên con tàu, nó ở đó không được chú ý và không được sử dụng nhiều ngày.

Nhưng một buổi tối lạnh giá, có một cơn bão. Thuyền trưởng nhìn một cách lo lắng và nói một mình,"Chúng ta đang ở trong cơn bão mạnh!" Và khi ông ta nhìn, cơn bão nổi lên với thất cả sự phẫn nộ của nó, đánh cơn sóng lên làm con thuyền bị nhấc lên và rung. Và cả buổi đêm con thuyền làm việc vất vả, với ba người điều khiển nó. Nhưng cuối cùng công việc đấy có vẻ không còn hy vọng, và giọng của thuyền trưởng to hơn cả gió ra lệnh thủy thủ thả neo xuống.

Cuối cùng sợi xích to cũng có việc để làm! Nó chìm qua cơn sóng, đến khi nó chạm đến đáy.

"Nó có giữ vững không?" những thủy thủ phân vân khi họ cảm thấy những cơm sóng làm chìm thuyền. "Nó có giữ vững không?"

Chỉ cần một miếng xích không hoàn thiện, cái xích sẽ đứt. Chỉ cần một vết nứt nhỏ, miếng xích sẽ chắc chắn đứt. Con thuyền có những hàng hóa quý sẽ đập vào đá và sẽ chìm! Nhưng cái neo giữ chặt; cái xích giống nhưng sợi băng cứng bằng sắt. Thất cả miếng xích đêu hoàn hảo. Con thuyền đã được cứu.

Làm việc một cách cẩn thận người đàn ông đã cứu nhiều mạng sống đêm bão đó. Bạn và tôi là người phục vụ vua của vua được gọi để làm cẩn thận, ở trường, khi chơi, ở nhà-cho dù công việc nó nhưng thế nào. Hãy nhớ là chúng ta không bao giờ biết được tác hại của việc làm không cẩn thận, và cũng không biết sự ban phước từ việc được làm cẩn thận.

Nguồn: Path of Adventure, Abeka Books
Biên dịch: Bùi Huy Khang 

Monday, September 9, 2013

Ổ Bánh Mì Nhỏ

Ổ Bánh Mì Nhỏ

Có một thời gian có một nhạn đói kém, một người làm bánh mì giàu có tập hợp 20 đứa trẻ nghèo nhất trong thị trấn đến.

"Trong rổ này có một ổ bánh mì cho mỗi một cháu," người làm bánh mì nói "Cầm lấy, và trở lại đây tất cả các ngày vào giờ này cho đến khi Chúa cho một thời gian tốt hơn."

Những đứa trẻ đói chạy đến cái rổ và cãi nhau vì bánh mì, mỗi đứa trẻ cố lấy miếng bánh to nhất. Cuối cùng những đứa trẻ đi về mà còn không cảm ơn người làm bánh mì tốt bụng.



Còn một cô bé không tranh nhau với những đứa trẻ còn lại. Cô bé đợi kiên nhẫn ở xa cho đến khi những đứa trẻ khác đi về. Rồi cô bé lấy ổ bánh nhỏ nhất, là ổ duy nhất còn lại, rôi cô bé hôn bàn tay của người người làm bánh mì, và rồi đi về.

Ngày hôm sau những đứa trẻ cư xử tệ như trước đây, Gretchen nhút nhát nhận được ổ bánh mì bằng nửa ổ bánh lần trước. Khi cô bé về nhà và mẹ của cô bé cắt ổ bánh mì, nhiền miếng bạc mới rơi ra khỏi ổ bánh mì.

Mẹ cô bẻ hoản hốt và nói, "Mang chỗ tiền này khẩn trương cho người làm bánh mì, vì nó chắc nó bị vô tình rơi vào bột. Nhanh lên, Gretchen, nhanh lên!"

Nhưng khi cô bé trả cho người làm bánh mì, người làm bánh mì nói, "Không, không, cháu à, không có sự nhầm lẫn nào cả. Ông bỏ bạc vào ổ bánh nhỏ nhất để thưởng cho cháu. Hãy luôn luôn hài lòng, yên tĩnh và có lòng biết ơn như bây giờ.

Về nhà đi, và nói với mẹ là hãy giữ lại chỗ bạc này.

Nguồn: Path of Adventure. Abeka Books
Biên dịch: Bùi Huy Khang 

Wednesday, September 4, 2013

Có nên nói tốt cho Đối thủ?

Nếu bạn vẫn theo dõi blog này, bạn sẽ thấy mình đăng các bài viết ngày càng xuất hiện nhiều hơn vai trò của khách mời, những người đã và đang đóng góp vào cuộc sống diễn ra xung quanh bạn những giá trị nhất định.

Một câu hỏi được đặt ra nếu mình làm Agency có nên khen một Agency cùng ngành? Nếu cùng làm dịch vụ SEO có nên khen một SEO giỏi, có tài khác khi mà họ cũng là người cạnh tranh với cùng phân khúc khách hàng? Nếu cùng làm ngành việc làm có nên trò chuyện với lãnh đạo công ty cùng ngành?

Thông thường, lời khen thì ít hơn chê, mà trong một ngành khen nhau lại càng ít. Vì sao thế?



1. Khi thương trường là chiến trường

Nhan Thế Luân, CEO Nhạc Của Tui có viết một Facebook note "tại sao Việt Nam chúng ta lại không có sản phẩm số 1?" kể chuyện cùng ngành rất đáng suy nghĩ:

 " Câu chuyện này đúng là 1 câu chuyện dài nhiều tập và các công ty dìm hàng nhau hơn là cùng nhau chống lại thằng mạnh hơn từ nước ngoài tới. Như cái kiểu Zing me tụt hạng 2 thì nhiều cty mừng hơn là Zing me số 1 vậy. Ở NCT, tui không cấm nhân viên sử dụng website hay sản phẩm nào hết. Mọi người có thể nghe nhạc bằng nhacso, zing, nhacvui; xài fb zing me; mua hàng trên 5giây, tiki, nhommua…v…v… mà không bị dòm ngó soi mói. Có lần 1 người trong cty hỏi sao mình ko chặn hết các website kia đi để ủng hộ sản phẩm nhà thì tui chỉ nói rằng “chúng ta có ép 100 người ở đây sử dụng cũng chỉ là 100 người, nếu 100 người mà mà còn chán ko xài sản phẩm mình mà phải ép thì làm cửa gì có 1 triệu người ngoài kia” 

Tuy nhiên không phải công ty nào cũng vậy hoặc không phải cá nhân nhân viên ủng hộ câu chuyện cạnh tranh công bằng với nhau hơn là dìm nhau cũng chết. Chuyện dìm hàng nhau/chơi xấu nhau còn lộ nhiều khi càng kỳ hơn khiến cho 2 lãnh đạo ko nói chuyện với nhau luôn. Đã có lần mọi người search “nhom mua” nó ra quảng cáo của 1 website cùng ngành cùng dịch vụ và kêu gọi vào site đó… Có công ty lên danh sách các cty cạnh tranh để không mua quảng cáo, không hợp tác, không làm việc chung và thậm chí là từ khóa chặn không cho user comment… 

Các công cty còn dìm hàng nhau bằng nhiều hình thức như đăng bài bỏ ra các từ ngữ, câu cú liên quan đến công ty khác dẫn đến việc website V lượt bỏ hết các bài viết về website Z và website Z cũng làm ngược lại. Cuối cùng là các sản phẩm nước ngoài được cả 2 website PR ầm ầm. Nghĩ đi nghĩ lại mà hài
  
Còn nhiều câu chuyện ly kỳ giữa các công ty, nhưng đó là kinh doanh thương trường là chiến trường cũng không nói được gì nhưng nghĩ cứ thế thì chẳng có sản phẩm nào của Việt nam đứng 1 ở  Việt Nam cả. Nghĩ cũng buồn, mà thôi thì cũng kệ…"

2. Khi đối thủ gặp khủng hoảng

Chuyện Nhóm Mua là một ví dụ có lẽ dễ thấy nhất, bạn Bình Nguyễn, CMO tại Dynabyte.vn, đã nhận xét "Nhân sự vụ của Nhommua, một loạt các công ty Internet và e-commerce khác hả hê spread news, ra sức đàm tiếu, lập cả site tin tức công nghệ lá cải để đăng tin sai sự thật. 

[...]. Thị trường e-commerce ở VN bé tí, tương lai gần vẫn bé. Các bạn mong đợi sẽ lấy được bao nhiêu % cái market share của Nhommua? Đùa chứ nếu Nhommua chết cũng ko đến lượt các bạn. Khách hàng nó chán và mất niềm tin rồi còn đâu. 

Các cty e-commerce không sống bám vào nhau để cùng tồn tại thì thôi, ít nhất cũng đừng góp phần phá cái thị trường vốn đã low-trust như này. Một thằng nó ngã, nếu không cố gắng nâng nó dậy để nó phát triển market size cùng mình thì thôi, lại còn vùi dập. Loser tiếp theo, chính là các bạn đấy :)"



Đến phút cuối vẫn là "nếu như" - một giả định
Trường hợp này, các trang tin nên làm gì? Một nhân sự giấu tên am hiểu về thị trường mà Nhóm Mua nhắm đến đã nhận xét: "trong trường hợp của NhomMua các trang tin ko nên đăng bài khi họ ko nắm rõ sự việc, thí dụ một trang đã đăng hàng loạt và đăng liên tục bài về NhomMua là Vcamp nhưng cho đến tận bài cuối cùng về NhomMua họ đăng, họ vẫn phải thừa nhận là họ ko biết dc nhà đầu tư chiếm bn % cổ phần của NhomMua chứng tỏ họ ko hề có connect với bên nhà đầu tư hay một nhân sự chủ chốt nào của NhomMua. Nguồn tin họ có cũng chỉ từ các nhân viên cấp thấp, xào lại và dùng nguôn tin của các trang cấp thấp nên vụ NhomMua mới thành lùm xùm như vậy.
Cho đến tận bây giờ, các trang tin vẫn chưa tiếp cận với 2 thông tin lõi rất cơ bản bao gồm: 
  1. Lượng cổ phần của nhà đầu tư có chiếm quá bán ko ? vì nếu chiếm quá bán thì ko thể bảo nhà đầu tư "đảo chính"
  2. Điều lệ công ty NhomMua, tập đoàn MJ đối với việc phế truất thế nào
Chính việc các trang tin ko biết cách tiếp cận có hệ thống/ pháp lý mà chỉ đăng tin lùm xùm nên mới càng lam thị trường hoang mang". Nếu là đối thủ cũng "Không nên tranh thủ cơ hội trù dập đối thủ. Vì trong các thị trường low trust như Ecommerce đối thủ chết thì cũng kéo mình đi theo. Trong những thị trường như Ecommerce mình còn nên nhảy vào định hướng truyền thông để bảo vệ trust của người tiêu dùng với thị trường". 

Những tin đồn kiểu như FPT kêu gọi nhân viên FPT “dìm hàng” Thegioididong trên mạng? cũng khó để nói là có thật hay không nhưng chắc sẽ khiến bạn suy nghĩ!

3. Cạnh tranh hay Thù địch?

Trong bài viết "Cạnh Tranh hay Thù Địch", diễn giả Quách Tuấn Khanh có kể một đoạn thoại giữa 2 nhân vật trong phim TROY khi Priam – vua thành Troy đến gặp Achilles xin lại xác con trai mình là hoàng tử Hector


Hoàng tử Paris
Hoàng tử Hector
Người anh hùng Achilles không hào hứng lắm với cuộc chiến, nhưng khi người em họ yêu quý Patroclus bị mất mạng dưới tay vị hoàng tử thành Troy là Hector vì lầm tưởng đó là Achilles thì cơn giận của anh đã lên đến cực điểm, và anh không mong muốn gì hơn là một cuộc chiến một mất một còn với Hector. Và Hector đã thua trong trận chiến này, xác của anh đã bị kéo lê về doanh trại của quân Hy Lạp.

Quá thương con, vị vua già tội nghiệp Priam lén đột nhập vào trại lính Hy Lạp cầu xin Achilles trả lại thi hài con trai để tiến hành thủ tục hậu sự.

Achilles: Ông là ai?
Vua Priam: Ta đã chịu đựng điều mà chưa ai trên đời phải chịu đựng. Ta đã hôn đôi tay kẻ đã giết con trai ta.
Achilles: Priam?
Vua Priam: (gật đầu)
Achilles: Sao ngài vào đây được?
Vua Priam: Ta rành đất nước của ta hơn người Hy Lạp
Achilles: Ông là một người tài giỏi. Tôi có thể lấy đầu ông bằng một nhát kiếm trong nháy mắt
Vua Priam: Ngươi nghĩ lúc này ta còn sợ cái chết nữa sao? Ta đã chứng kiến cái chết của con trai cả và cảnh ngươi kéo xác nó sau xe. Cho ta xin nó về. Nó phải được chôn cất theo đúng nghi thức và người cũng biết vậy. Hãy trả nó cho ta.
Achilles: Con trai ông đã giết em họ ta
Vua Priam: Hector đã nghĩ đó là ngươi. Người đã giết bao nhiêu người em họ của kẻ khác, bao nhiêu người anh, người em, người cha, người chồng. Bao nhiêu người hỡi Achilles tài giỏi? Ta biết cha của ngươi. Ông ấy chết quá sớm nhưng ông ấy đã có diễm phúc là không phải chứng kiến cảnh con trai mình chết.
Ngươi đã lấy hết của ta, kẻ kế thừa ngai vàng, người bảo vệ vương quốc của ta. Không thể thay đổi việc đã xảy ra, đó là ý muốn thần linh. Nhưng hãy ban cho ta một ân huệ nhỏ đó.
Ta đã thương yêu con ta từ lúc nó mở mắt chào đời cho đến khi nguời làm nó nhắm mắt. Hãy để ta tắm rửa xác của nó, cầu nguyện cho nó, đặt hai đồng tiền lên mắt của nó để đưa nó qua thế giới bên kia
Achilles: Nếu tôi có để ông ra về an toàn, có để ông mang xác Hector về thì điều đó cũng không thay đổi được gì. Ngày mai ông vẫn là kẻ thủ của tôi.
Vua Priam: Ngay đêm nay ngươi đã là kẻ thù của ta rồi. Nhưng ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng nhau.
Achilles: Ta kính trọng sự can đảm của ông…

Tôn trọng lời khẩn cầu của một người cha già, Achilles để ông đưa xác Hector về với Troy.
Câu nói của vua Priam làm tôi suy nghĩ rất nhiều: “Ngay cả kẻ thù cũng phải tôn trọng nhau”.

Nhớ lại câu nói của ông bà mình: “Buôn có bạn, bán có phường”, nhưng hình như từ rất lâu rồi những đơn vị làm cùng ngành hoặc những người làm cùng nghề lại mặc nhiên được chúng ta xem là đối thủ (thậm chí kẻ thù) của nhau.

Đâu là điểm khác nhau giữa cạnh tranh và thù địch? Đối thủ là kẻ cần bị triệt tiêu, hạ gục, lúc này mục tiêu của bạn là nhắm đến sự sống còn của kẻ mà bạn coi là đối thủ. Trong khi cạnh tranh thì cả hai đều có mục đích riêng dù trong cùng ngành; họ cạnh tranh nhau để không ngừng vươn cao, tiến xa chứ không nhắm đến chuyện triệt tiêu lẫn nhau, cả hai nhìn nhau làm thước đo và động lực để không ngừng hoàn thiện mình.


Steve Job và Bill Gate
Hãy nhìn những khía cạnh tích cực của cạnh tranh: cạnh tranh giúp nâng cao chất lượng, cạnh tranh thúc đẩy sự tiến bộ, cạnh tranh là động lực để doanh nghiệp đổi mới không ngừng, cạnh tranh làm xã hội đi lên, cạnh tranh giúp cuộc sống hướng đến sự hoàn thiện… Chúng ta cần những con người cạnh tranh, những tổ chức cạnh tranh để hướng tới điều này. Ngay cả kẻ thù ở hai chiến tuyến cũng cần tôn trọng nhau vì suy cho cùng họ chỉ theo đuổi mục đích, lý tưởng của riêng họ.

Trong phim Troy, Achilles và Hector là hai đối thủ vĩ đại của nhau và họ thể hiện sự tôn trọng nhau hết mực. Câu chào tạm biệt của Achilles “Hẹn gặp lại người anh em” khi Hector chỉ còn một cái xác là hình ảnh tuyệt vời nhất thể hiện sự tôn trọng này. Vậy mong rằng từ nay chúng ta hãy cùng nhau cạnh tranh để tất cả cùng vươn lên và tìm chỗ đứng cho riêng mình, vì bầu trời này đủ chỗ cho tất cả chúng ta.

Nguồn: blog.chamxanh.com

Thursday, August 29, 2013

10 cuốn sách truyền cảm hứng cho doanh nhân

10 cuốn sách truyền cảm hứng cho doanh nhân

Sách là viên ngọc tri thức của nhân loại và có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống con người. Nhờ đọc được những cuốn sách hay mà người ta có thể thay đổi cách sống, cải thiện tinh thần và có những định hướng đúng đắn cho sự nghiệp.

1. Cuốn “7 thói quen của người thành đạt”



Tác giả Steven Covey đã vẽ nên tấm bản đồ hướng đi cho cuộc sống và đưa nó vào trang sách để giúp người đọc không chỉ hình thành những thói quen sinh hoạt hợp lý mà còn giúp họ trở thành người tốt, sống có ích hơn.

Câu trích hay nhất trong cuốn sách này là: “gieo mầm suy nghĩ sẽ gặt hái hành vi, gieo mầm hành vi sẽ gặt hái thói quen, gieo mầm thói quen sẽ gặt hái tính cách, gieo mầm tính cách sẽ gặt hái số phận”.

2. Cuốn “Đắc nhân tâm”



Trước khi cuốn sách kinh điển của Dale Carnegie xuất hiện, nhiều người khó lòng kiểm soát được những mối quan hệ rắc rối giữa đời sống cá nhân và công việc.

Tuy nhiên từ khi “Đắc nhân tâm” đến tay độc giả, nó đã khiến người đọc nhận ra rằng họ có thể tiết chế được các mối quan hệ trong và ngoại lề công việc, và trên thực tế thì hai mối quan hệ ấy không bao giờ tách rời nhau.

Câu trích hay nhất trong cuốn sách này đó là: “Có một sự thật là tất cả những người bạn gặp đều tự cảm thấy họ hơn bạn theo một cách nào đấy, và con đường thẳng dẫn tới trái tim họ là để họ nhận ra rằng bạn công nhận tầm quan trọng của họ, và sự ghi nhận đó là chân thành”.

3. Cuốn “Nghĩ lớn và làm giàu’



Napoleon Hill đã phỏng vấn 40 triệu phú để tìm ra lối suy nghĩ và hành động phổ biến mang lại thành công cho những người đó. Nghiên cứu của ông là một cuộc cách mạng đối với thế giới của những người luôn cho rằng giàu có là sự kết hợp từ may mắn và lòng tham.

Câu trích hay nhất của cuốn sách này đó là: “ Những đột phá cần có trong cuộc đời đang nằm trong chính trí tưởng tượng của bạn. Trí tưởng tượng là xưởng máy trong đầu bạn, có thể biến năng lượng tư duy thành thành tựu và của cải”.

4. Cuốn “Đánh thức gã khổng lồ trong bạn”



Anthony Robbins khác với hầu hết các nhà văn tinh thần khác bởi hai điều. Một là ông coi việc rèn luyện tư duy và cơ thể là thách thức công nghệ hơn là nhu cầu tinh thần. Hai là theo một cách nào đó, Robbins vừa có thể là một hình mẫu người truyền cảm hứng, vừa có thể là một gã đàn ông phiền phức nhất hành tinh.

Câu trích hay nhất trong cuốn “Đánh thức gã khổng lồ trong bạn” là: “Nếu bạn không thể làm gì đó, thì bạn phải làm việc ấy. Nếu bạn phải làm điều đó, bạn sẽ có thể thực hiện được nó”.

5. Cuốn “Như một người đàn ông Thinketh”



Những cuốn sách động lực cuộc sống thường có tác dụng tức thời tới tâm hồn người đọc. Tác phẩm của James Allen không dừng lại ở đó, bởi độc giả sẽ cần thời gian để “gặm nhấm” và suy ngẫm. Cuốn sách lý giải cách suy nghĩ điều khiển nhân cách, và nhân cách dẫn lối cho hành động, quyết định hành vi của bạn.

Câu trích hay nhất: “Những người có ước mơ là những vị cứu tinh của thế giới. Vì thế giới hữu hình được chống đỡ bởi thế giới vô hình, nên con người, qua gian truân, tội ác và những lối sống bần cùng, đều được nuôi dưỡng bởi viễn cảnh tươi đẹp của những giấc mơ xa xôi”.

6. Cuốn “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”



Không chỉ là một ấn phẩm thương mại, cuốn sách của Og Mandino khuyến khích người đọc sống trọn vẹn cuộc đời với niềm tin vào chính mình và khả năng giúp đỡ người khác. Ai bán sách này cũng đều phải đọc, bởi cuốn sách viết về tất cả mọi người.

Câu trích hay nhất: “Tôi sẽ sống ngày hôm nay như thể là ngày cuối cùng trong đời. Ngày hôm nay là tất cả những gì tôi có, và những giờ khắc này là giờ khắc vĩnh hằng của tôi. Tôi chào đón bình minh bằng tiếng khóc của niềm hân hoan như một tù nhân được tha tội chết. Tôi chắp tay cảm ơn món quà vô giá mang tên ngày mới”.

7. Cuốn “Đừng đổ mồ hôi vì những thứ nhỏ nhặt”



Một bước quan trọng trong việc tạo động lực cho chính mình là làm sạch tâm hồn và gạt những điều hỗn độn sang một bên. Richard Carlson, qua cuốn sách của mình, muốn giúp người đọc phân biệt giữa điều thực sự quan trọng, điều đáng để bạn quan tâm và những thứ chỉ là “tiếng ồn trong một hệ thống”.

Câu trích hay nhất: “Sự căng thẳng chỉ là một hình thức phổ biến của căn bệnh tinh thần”.

8. Cuốn “Hành trình”



Động lực bắt nguồn từ việc sử dụng đúng đắn những đòn bẩy tinh thần. Am hiểu chân lý ấy, tác giả Daniel Pink qua cuốn sách của mình đã nhấn mạnh một sự thật rằng động lực đến từ rất nhiều nguồn, mà dạng thức cao nhất là những cảm xúc từ sâu thẳm trong tâm hồn bạn và con người mà bạn muốn trở thành.

Câu trích hay nhất: “Đối với nghệ sỹ, nhà khoa học, nhà phát minh, học sinh và tất cả chúng ta, nội động lực – điều thúc đẩy chúng ta làm gì đó bởi điều ấy thú vị, thách thức và cuốn hút – là thứ thiết yếu đối với sự sáng tạo đỉnh cao”.

9. Cuốn “Sức mạnh của những suy nghĩ tích cực”



Lần đầu khi cuốn sách này được phát hành, các nhà tâm lý học và thần học đã buộc tội tác giả Norman Vincent Peale như một kẻ dị giáo làm mu muội tu duy con người. Tuy nhiên ngày nay, khoa học đã chứng minh cuốn sách mang lối tư duy cơ bản rằng sự lạc quan khiến con người khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và do đó khiến người ta dễ thành công hơn.

Câu trích hay nhất: “ Hành động là một sự làm mới và xây dựng niềm tin hết sức tuyệt vời. Khi bạn không hành động, bạn không đạt được thành quả, và đó cũng là nguyên nhân khiên bạn thấy sợ hãi. Có thể hành động của bạn sẽ mang đến thành công, có thề bạn phải học hành động theo một cách khác, hoặc điều chỉnh hành động của mình. Nhưng miễn là bạn hành động, điều đó tốt hơn nhiều việc không làm gì cả.”

10. Cuốn “Điều bạn thích ở đây”



9 cuốn sách đã nói bên trên, cuốn nào cũng chứa những động lực tuyệt vời có thể thay đổi cuộc đời bạn.

Cuốn sách thứ 10 này sẽ do chính bạn viết nên. Điều gì có thể giúp bạn đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, điều gì bạn nghĩ sẽ có ích đối với cuộc sống của người khác. Mỗi người cần phải tự viết cho mình một cuốn sách động lực cuộc sống, và đặt tên nó là “Điều bạn thích ở đây”.

Theo Tri Thức Trẻ / Inc
Nguồn: Devlopver.com

Wednesday, August 28, 2013

Mua sắm trên Mobile - Bước chuyển mới của thương mại điện tử Việt Nam?

Mua sắm trên Mobile - Bước chuyển mới của thương mại điện tử Việt Nam?

Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, kể từ khi website TMĐT đầu tiên Việt Nam được thành lập vào năm 2004.

1. Mua hàng qua mạng, nở rộ và phát triển bền vững

Thời kỳ đầu, hình thức mua hàng trực tuyến gặp không ít những phản ứng tiêu cực từ người dùng mà lí do phồ biến nhất là:

Mức độ lừa đảo, mất uy tín do hàng giao không đúng cam kết xảy ra thường xuyên khiến người mua hàng cho rằng “sản phẩm trên mạng chỉ toàn của ôi, rẻ tiền”. Điều này cũng xuất phát từ thói quen mua hàng thích “sờ nắm tận tay mới hay thế nào” của người Việt Nam.
Việc thanh toán thiếu tiện lợi và không đảm bảo được tính bảo mật cho người mua hàng khi mà cơ sở hạ tầng viễn thông – Internet Việt Nam đang ở buổi đầu hình thành. Bên cạnh đó, luật TMĐT còn lỏng lẻo, chưa hoàn thiện để có biện pháp xử lý nghiêm khắc trường hợp sai phạm.

Giai đoạn đánh dấu phương thức mua hàng qua mạng bùng nổ có thể tính từ thời điểm các tổ chức kinh doanh theo mô hình mua sắm theo nhóm (groupon) nở rộ như: Nhóm Mua, Mua Chung, Cùng Mua, HotDeal,... Thời điểm mà người mua hàng “phát cuồng” với vô số loại hình sản phẩm có mức giảm lên đến 90%.

Ngày nay, hình thức mua hàng qua mạng ở Việt Nam không còn xa lạ với doanh nghiệp lẫn khách hàng. Một doanh nghiệp muốn kinh doanh hiệu quả không thể bỏ qua việc xây dựng website theo hướng TMĐT, tức sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng được niêm yết và bán trên website. Riêng với khách hàng, mọi sản phẩm, mặt hàng đều có thể đặt mua online: từ cái váy đầm đến vé xem phim, từ quyển sách đến đôi dép lào, bịch xoài ngâm, thậm chí đến cả dịch vụ thông tắc bồn cầu, bạn cũng có thể gọi thợ qua mạng! Báo cáo của VISA cho thấy kết quả tăng trưởng của thị trường mua sắm trực tuyến Việt Nam vô cùng lạc quan: Tỉ lệ người truy cập Internet tham gia mua sắm đạt mức 71% với doanh số bán lẻ, ước tính 667 triệu USD trong năm 2012 và dự đoán sẽ ở mức trên 1.3 tỷ USD vào năm 2015.

Bên cạnh đó, rủi ro được hạn chế bằng các quy định chặt chẽ từ pháp luật (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT), bằng sự hoàn thiện trong phương thức thanh toán qua thẻ, mức độ xác tín của các sàn TMĐT, và người mua hàng nay cũng đã khôn ngoan hơn. Giảm giá lớn, giá rẻ không còn là chiêu câu khách “bách phát bách trúng” nữa mà thay vào đó, chất lượng dịch vụ, uy tín và tính tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Theo nghiên cứu của Cimigo (tập đoàn độc lập chuyên về lĩnh vực Nghiên Cứu Thị Trường và Thương hiệu), 68% người dân thường xuyên truy cập Internet hằng ngày để tìm kiếm thông tin sản phẩm (chiếm 55%) và mua sắm (35%).

Niềm tin vào hình thức này được củng cố khi có “90% khách hàng sẽ mua hàng trực tuyến trong tương lai”. So với tỷ lệ 30% người tham gia khảo sát cho biết từng mua hàng trực tuyến trước đó một năm, những con số này cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về mức độ tham gia dịch vụ TMĐT của người tiêu dùng trẻ tại các thành phố lớn. (VISA, 2012)

2. Smartphone, cơn sóng thần càn quét thị trường tiêu dùng

“Ngày nay, các thiết bị di động đã ăn sâu vào từng góc cạnh của cuộc sống hiện đại. Người sử dụng di động luôn hoạt động online, lướt web mọi lúc mọi nơi, nào là khi đang quây quần bên gia đình, đang tham dự một sự kiện, đang ở trên các phương tiện giao thông công cộng hay đang đi mua sắm.” (Naveen Tewari, CEO và đồng sáng lập InMobi)

Cách đây khoảng 2 năm, lượng người dùng smartphone không nhiều và đó dường như chỉ là món hàng dành cho những người có tiền và sành điệu do mức giá trung bình khoảng 7 – 10 triệu đồng/mẫu điện thoại. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đi đâu, gặp ai cũng có thể thấy sự hiện diện của smartphone.

Có ý kiến cho rằng smartphone đang trở thành một dạng “thuốc phiện mới” khi đi đâu, làm gì, trong bất kể trường hợp nào, người ta cũng sử dụng chúng: café với bạn bè, ăn cơm cùng gia đình, học trong lớp, đi dã ngoại, online trước khi đi ngủ,…Và như vậy, cuộc sống con người buộc phụ thuộc và bị chi phối bởi smartphone là điều không thể bàn cãi. Đặc biệt là đối với người tiêu dùng Việt Nam, do thời gian tiếp cận chưa lâu nên họ tò mò và tốn nhiều thời gian để “vọc” máy hơn so với các quốc gia phát triển khác. Ông D. ở Bến Tre, là nông dân chính gốc quanh năm chỉ biết “sáng sớm trồng lúa, trưa chiều gầy độ nhậu, tối nghe vọng cổ”, vậy mà từ khi con trai ông đi làm ở thành phố về tặng cha cái smartphone thì đến vợ ông cũng phải lên cơn ghen, bạn nhậu tỏ ra bất mãn vì cái vật nhỏ nhỏ xinh xinh kia làm ông mê mẩn, cả ngày ông giữ khư khư điện thoại bên mình để nghe radio, chụp hình, chơi game!

Nhiều thống kê cũng cho thấy smartphone đang thâm nhập và thay đổi hành vi, lối sống của nhiều người. Số liệu được công bố từ nghiên cứu của Ofcom khiến chúng ta phải giật mình: có đến 81% người dùng điện thoại bật điện thoại liên tục, ngay cả khi ngủ; 51% người trưởng thành và 65% thanh thiếu niên dùng điện thoại khi đang nói chuyện với người khác; 23% người lớn và 34% thanh thiếu niên sử dụng điện thoại suốt giờ ăn và 22% người lớn, 47% thanh thiếu niên dùng điện thoại trong… toilet.

Xu hướng sản xuất di động thế giới hiện nay là all-in-one, tức tích hợp mọi chức năng vào trong chiếc smartphone: thẻ thanh toán, đọc mã vạch, tắt mở khóa, máy y tế (đo nhịp tim, nồng độ cồn,…), điều khiển từ xa, cinema di động…từ đó biến điện thoại thành trợ thủ đắc lực của con người, giúp con người giản tiện bớt vật dụng mang theo, đồng thời tăng tính tương tác với nhau hơn. Chính vì vậy mà điện thoại di động luôn là vật bất ly thân của mọi người, sự phụ thuộc nó của con người cũng ngày càng cao hơn.

3. Mua sắm trực tuyến và những cơ hội mới

Ở các quốc gia mà guồng công việc hối hả không ngừng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thì việc mua sắm qua di động là điều rất bình thường do người dân phải luôn di chuyển nhưng vẫn muốn shopping hay tra cứu mặt hàng. Ở Việt Nam, hình thức này đã bắt đầu nở rộ và lan nhanh như một xu hướng tất yếu khi nhu cầu mua sắm cùng với hạ tầng công nghệ phát triển song hành. Cấu hình điện thoại mạnh, chất lượng mạng 3G ổn định hơn, bên cạnh đó trải nghiệm mua sắm qua di động rất khác biệt khi mua hàng in-store hoặc mua online qua máy tính cá nhân. Nhiều dẫn chứng đã cho thấy sự chuyển dịch này. Thật khác thường khi lượng tìm kiếm từ khóa trung bình trên mobile đối với cả hệ điều hành Android và iOS gần gấp đôi độ dài của việc tìm kiếm trung bình trên destop. Trong khi cả máy tính bảng và smartphone được xem như các công cụ “lean back” thì riêng smartphone đã được sử dụng on-the-go từ sáng tới tối bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian ở nhà. Số liệu từ Google Mobile Ads cho thấy người dùng tìm kiếm sản phẩm đang tăng đều theo từng ngày và cao điểm nhất là vào 9h tối.

“Ngồi làm việc trên máy tính cả ngày khiến tôi rất nhức mắt, buổi tối về đến nhà chẳng muốn mở vi tính lên chút nào. Nên cần mua gì thì cứ mở điện thoại lên thôi.” (chị Hạnh, Q.9)

Nhu cầu mua sắm trên di động là có thực, tuy nhiên hiện nay đa số các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ, lại không có phiên bản website cho mobile. Điều này đã hạn chế đi nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ tuổi từ 13 – 35, đối tượng chiếm trên 50% lượng khách và đóng góp 2/3 doanh thu cho thị trường trực tuyến.

Do môi trường di động khác biệt hoàn toàn với môi trường web truyền thống ở chỗ nó không phù hợp với những sản phẩm lớn, nhiều tính năng và đòi hỏi hiệu năng cao. Các sản phẩm di động cần đáp ứng được các yếu tố gọn nhẹ, cơ bản như những tính năng thiết thực nhất. Bên cạnh đó, tỉ lệ người mua hàng trên điện thoại di động không cao, dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa để tâm đến hình thức này. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tất yếu mà các đơn vị TMĐT không thể bỏ qua. Nhiều đơn vị TMĐT đã nắm bắt xu hướng và làm tốt website dành riêng cho di động như Bookbuy.vn, Muachung.vn,….

Theo nghiên cứu đặc biệt từ BizBuySell – một doanh nghiệp thị trường trực tuyến, người mua tiềm năng sẽ tìm mua hàng nhiều hơn thông qua thiết bị di động do đặc trưng của loại hình này mang tính tập trung cao, các bước mua hàng được giản lược tối đa, cũng như các thao tác chủ yếu là kéo thả và click chọn thay vì gõ chữ như phiên bản destop nhằm giúp khách hàng mua sắm nhanh gọn hơn.

4. Kết

So với thế giới thì TMĐT Việt Nam chỉ mới bước qua giai đoạn mở đầu, tuy nhiên đã có những bước phát triển thần tốc nhằm bắt kịp với xu hướng chung. Bản thân người tiêu dùng Việt Nam có khả năng thích ứng cực tốt với sự phát triển của công nghệ. Sống năng động, suy nghĩ thoáng đạt và “chạm nhẹ mua nhanh”, ấy là hình ảnh của thế hệ khách hàng mới. Do đó xây dựng website trên mobile là hành động cần thiết để theo kịp thói quen tiêu dùng trong kỷ nguyên di động ngày nay.

Q.Hiếu
Nguồn: Pandora.vn 

Không cần phải là công ty lớn với ngân sách rất nhiều để làm thương mại điện tử trên di động, các mẹ bán hàng tại lamchame.com cũng có thể tải và dùng thử ứng dụng Ahamai, một dự án mới của Lamchame.com giúp cho việc mua bán trên điện thoại di dộng trở nên dễ dàng.

Để biết thêm về Ahamai, xin tham khảo Ahamai là gì?
Để biết cách cài đặt Ahamai lên điện thoại, xin vui lòng tham khảo bài viết: Download và cài đặt Ahamai